8/19/2015

Tranh bút lửa "tìm lại" thời "hoàng kim"

                                                   Tranh bút lửa "tìm lại" thời "hoàng kim"
 
Tranh bút lửa “Đà Lạt sương”
Tranh bút lửa “Đà Lạt sương”
Không phải ngẫu nhiên, Festival hoa lần thứ VI với chủ đề “Đà Lạt - Muôn sắc màu hoa”, trong 9 chương trình chính có Chương trình về Không gian của các loại hình nghệ thuật, trong đó có sự góp mặt của tranh bút lửa - một sản phẩm nghệ thuật có bề dày ở Đà Lạt. Vậy là, dòng tranh bút lửa sau một thời gian tưởng chừng đã lỗi thời nay đang dần tìm lại “thuở vàng son”…
 
Sưởi ấm không gian
 
Dự kiến Không gian Thư pháp, Hội họa và Nhiếp ảnh về hoa, tranh bút lửa được tổ chức tại Công viên Xuân Hương, diễn ra từ ngày 30/12/2015 đến ngày 3/1/2016. Sẽ có 160 tác phẩm được trưng bày, trong đó có 40 tác phẩm tranh bút lửa. Không gian này có 10 nghệ sĩ của các loại hình nghệ thuật nêu trên tham gia trình diễn. 
Đơn vị tổ chức chương trình: Hội Văn học - Nghệ thuật Lâm Đồng. Đơn vị phối hợp: Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch; Sở Công thương, Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh, UBND TP Đà Lạt.
Chợ đêm Đà Lạt mở cửa mỗi tối ở khu trung tâm thành phố, trong không gian của các mặt hàng tiểu thủ công, hội họa và tranh, du khách tìm về với các cửa hàng tranh bút lửa. Những ngọn lửa phác họa trên thớ gỗ, chạm nên từng cảnh sắc, không gian sinh hoạt và con người dưới bàn tay khá nhuần nhuyễn của những người sáng tác. Ngọn lửa ấy làm ấm không gian và làm hồi sinh một nghề có lúc tưởng chừng đã mai một theo năm tháng.
Nhìn lại lịch sử, tranh chạm bút lửa xuất hiện khoảng thập kỷ 50 của thế kỷ 20 ở Đà Lạt. Người đầu tiên phát hiện ra nghệ thuật chạm bút lửa là ông Bùi Văn Dưỡng, tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Paris. Đến năm 1973, ông Châu Văn Nghiêm, chủ một cửa hiệu thủ công mỹ nghệ đã phát triển mạnh mẽ thể loại tranh này. Ngày ấy, trên những phiến gỗ bạch tùng, tranh bút lửa được nghệ nhân chạm tinh xảo và nghề làm tranh bút lửa rất thịnh hành. Vào những năm 1980, tranh chạm bút lửa được xuất đi nhiều nước ở châu Âu, châu Á… Bà Nguyễn Thị Đặng (quận Gò Vấp, TPHCM) nhớ rằng thời ấy, mỗi khi lên Đà Lạt, phải tìm bằng được tranh bút lửa về làm quà vì như mang được cả sơn nguyên về với đô thị. Người nhận được tranh cũng rất quý những mảng tranh màu nâu khói được chạm từ bút lửa. Vậy nhưng, khi nhiều dòng tranh hiện đại, đa dạng màu sắc, cộng với nhiều phong cách ra đời; đồng thời gỗ bạch tùng ngày một hiếm, tranh bút lửa dần bị mất đi chỗ đứng. Đầu ra bế tắc, người làm tranh cũng nản chí dần… Đà Lạt chỉ còn lại vài người thợ tâm huyết cùng nghề.
 
Nhắc đến những người thợ gắn bó với tranh chạm bút lửa phố núi, không thể không nhắc đến ông Phi Anh. Ông đã gửi trọn trái tim cùng ngòi bút lửa. Hơn 30 năm sưởi ấm những ngọn lửa leo lét được tạo từ chiếc bút lửa với ngòi đồng tự chế gắn vào chiếc ổn áp biến điện từ 220V sang 12V, ông vẫn vững tin vào nghề vì mối duyên và nhiệt huyết…
 
Anh Nguyễn Khánh Hoàng tại không gian sáng tác
Anh Nguyễn Khánh Hoàng tại không gian sáng tác
 
Lửa nuôi hy vọng
* Anh Nguyễn Khánh Hoàng - người sáng tác tranh bút lửa: Tranh bút lửa đang thịnh hành trở lại. Những người vẽ tranh được quan tâm nhiều hơn và có cảm hứng sáng tạo. Làm nghề, chúng tôi không chỉ kiếm thu nhập mà còn có khát vọng sáng tạo nghệ thuật. Hy vọng qua Festival hoa, loại tranh này sẽ có cơ hội được công chúng biết đến rộng rãi và những người sáng tác có không gian để thể hiện mình trong dịp lễ hội lớn của Đà Lạt.
 
* Ông Nguyễn Chí Long - Phó Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật Lâm Đồng, Phó Ban Tổ chức Không gian Thư pháp, Hội họa và Nhiếp ảnh về hoa, tranh bút lửa: Tranh bút lửa là dòng tranh có giá trị nghệ thuật đặc sắc của Đà Lạt. Dù vậy, lâu nay, những người thợ và nghệ nhân sáng tác tranh bút lửa chưa có ai là hội viên Hội VH-NT Lâm Đồng. Trong dịp Festival này, Hội VH-NT tỉnh sẽ động viên, khuyến khích, tập hợp những người sáng tác loại hình tranh này tham gia trưng bày và thể hiện. Sau đó, Hội đồng Nghệ thuật của Hội VH-NT sẽ thẩm định, hỗ trợ các tác giả trong quá trình sáng tác; khi đủ điều kiện, sẽ vận động anh em gia nhập hội, trở thành hội viên Hội VH-NT Lâm Đồng để có môi trường sáng tạo, thảo luận, cùng phát triển dòng tranh này. Qua đó cũng góp phần phát triển một sản phẩm du lịch của Đà Lạt.
 
* Chị Ái Hậu - du khách đến từ Bình Dương: Tôi biết đến tranh bút lửa từ lâu vì ông ngoại tôi từng làm nghề này ở Sài Gòn từ năm 1955 đến những năm 1990. Đến Đà Lạt, tôi mua 150 tác phẩm tranh bút lửa nho nhỏ về làm quà cho học sinh. Tôi thực sự có tình cảm sâu nặng với tranh bút lửa. 
 
* Chị Thu Hà - du khách đến từ Hà Nội: Lúc đầu, tôi đến chợ đêm vì tò mò. Tham quan chợ, tôi bị thu hút bởi những đốm sáng từ các quầy tranh bút lửa. Phải nói rằng, ngoài một số sản phẩm na ná nhau mang tính thương mại thì có những tác phẩm tranh bút lửa rất đẹp, mộc nhưng tinh. Tôi hy vọng những người sáng tác có cơ hội thể hiện hơn nữa để phát triển dòng tranh đẹp này của Đà Lạt.                                                                               YÊN NGUYÊN (ghi)

Tranh bút lửa Khánh Hoàng thời gian qua đã tạo nên một thương hiệu cho Đà Lạt. Vẫn với chất liệu và cách vẽ truyền thống nhưng người thợ này đã đưa vào tranh hơi thở của thời đại với những hình ảnh mới, cách “đưa bút” rất mới. Đi vào tranh bút lửa đã có hình tĩnh vật với hình ảnh hoa - quả Đà Lạt, là cặp đôi hạnh phúc và rất “phố núi” với mũ và khăn len, là hình ảnh mô tô trên phố… Tranh bút lửa của Khánh Hoàng đồng thời vẫn lưu giữ nét truyền thống với những bức tranh Mã đáo thành công, là hình ảnh già làng đang nhả khói thuốc… Bút lửa thay cho tất cả đi vào tranh rất còn hồn. Anh từng nhận được đơn hàng 200 bức tranh bút lửa với hình ảnh giàn khoan trên biển được cách điệu bên những chú ngựa xứ cao nguyên từ một công ty dầu khí. Ngoài cửa hàng ở chợ đêm, từ cuối năm 2014, anh từng cùng một người bạn đã mở được một cửa hàng tranh bút lửa, thư pháp, sơn dầu tại một con đường trung tâm của Đà Lạt là đường Trương Công Định. Nhưng nay, với khối lượng công việc quá nhiều, Khánh Hoàng đành sang nhượng lại cửa hàng để chuyên tâm cho tranh bút lửa ở chợ đêm và những đơn đặt hàng từ nhiều nơi. Tranh bút lửa giờ đây cũng đã lên trang xã hội facebook, có website giới thiệu để họa sĩ này kết nối với người yêu thể loại tranh phảng phất nét cổ xưa, sương núi.
Chân dung du khách nước ngoài trong tranh bút lửa
Chân dung du khách nước ngoài trong tranh bút lửa
Khắc phục khó khăn về nguyên liệu, giới chạm tranh bút lửa đã đa dạng hóa chất liệu gỗ để thỏa mãn ước mơ được vẽ, không chỉ là gỗ bạch tùng mà còn có gỗ me, gỗ lọng mứt, gỗ xá xị… Vẫn với ngòi bút tự chế, những bàn tay người thợ đôi lúc chai sần trên thớ gỗ và độ nóng của bút lửa, cùng làm sống lại một dòng tranh đặc sắc.
Đầu năm 2015, ông Ngô Văn Nghĩa - “linh hồn” của cơ sở cưa lọng và tranh bút lửa Nghĩa Hảo vừa nhận được niềm vui mới. Sau gần 50 năm gắn bó với nghề thủ công truyền thống của phố núi, ông Ngô Văn Nghĩa được UBND tỉnh công nhận danh hiệu Nghệ nhân. Gia đình ông từng phải linh hoạt chuyển đổi nhiều mẫu mã kinh doanh để đối diện với bài toán thị trường mới giữ được nghề. Đến với nghề là một mối duyên, còn gắn bó với nghề là sự chắt chiu cảm xúc và lòng yêu nghề để vượt qua những lúc gian truân, khốn khó. Tấm bằng Nghệ nhân như là một chất xúc tác để ông có thêm niềm vui, thêm nặng tình với cưa lọng và bút lửa.
 
Trở lại Festival, đây là lần đầu tiên Festival hoa đưa tranh bút lửa vào chương trình chính trong Không gian Thư pháp, Hội họa và Nhiếp ảnh về hoa, tranh bút lửa (trong các dịp Festival trước, có sự xuất hiện của tranh chạm bút lửa nhưng là các gian hàng trong Hội chợ thương mại). Đại diện Hội Văn học - Nghệ thuật Lâm Đồng cho hay, lúc đầu, Hội chỉ khởi xướng chương trình trong khuôn khổ khá “khiêm tốn” bởi yếu tố kinh phí, nhưng rất bất ngờ bởi chương trình đã nhận được sự quan tâm đặc biệt và sự hỗ trợ mạnh mẽ từ UBND thành phố, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch. Đây là một tín hiệu vui đối với những người sáng tác! Tranh bút lửa được vào khuôn khổ chính thức của một lễ hội lớn như là một sự tôn vinh và sự tiếp sức mạnh mẽ của chính quyền để dòng tranh này hồi sinh trở lại.

Hồn dân tộc vào tranh
Hồn dân tộc vào tranh
 
HẢI YẾN

Tạo tiền đề phát triển chăn nuôi bò sữa tại Lâm Đồng

                                           Tạo tiền đề phát triển chăn nuôi bò sữa tại Lâm Đồng
Mục tiêu của việc hợp tác nhằm phát huy lợi thế về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và tiềm năng phát triển đàn bò sữa để xây dựng Lâm Đồng trở thành một trong những vùng nguyên liệu sữa với sản lượng lớn, chất lượng cao, đảm bảo tính ổn định, bền vững, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và cả nước, nâng cao thu nhập cho người nông dân. Hợp tác chiến lược này sẽ  tạo điều kiện thu hút nguồn lực đầu tư từ công ty Vinamilk để phát triển hệ thống chăn nuôi bò sữa tập trung, thu mua sữa tươi nguyên liệu và xây dựng nhà máy chế biến sữa tại Lâm Đồng, đảm bảo đầu ra cho sữa tươi nguyên liệu do người nông dân Lâm Đồng sản xuất và khuyến khích hộ chăn nuôi áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật công nghệ cao trong chăn nuôi bò sữa, quản lý dịch bệnh để nâng cao năng suất, chất lượng sữa cung cấp cho các trạm thu mua, nhà máy chế biến.
Đại diện lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng và Vinamilk cùng ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển chăn nuôi bò sữa giữa tỉnh Lâm Đồng và Vinamilk giai đoạn 2015-20120
Cụ thể, thông qua chương trình hợp tác này, tỉnh Lâm Đồng sẽ tạo điều kiện cho Vinamilk xây dựng từ 2 đến 3 trang trại chăn nuôi bò sữa tập trung, công nghệ hiện đại, với tổng đàn khoảng 10.000 con tại tỉnh Lâm Đồng. Trang trại chăn nuôi bò sữa tập trung là hạt nhân, cung cấp các dịch vụ tư vấn kỹ thuật chăn nuôi, thú y, nguồn tinh bò sữa thuần chủng, thức ăn chăn nuôi bò sữa… cho các hộ chăn nuôi bò sữa trong khu vực. Xây dựng trung tâm giống bò sữa hạt nhân chất lượng cao để cung cấp con giống bò sữa Hosltein Friesian thuần chủng, năng suất cao cho các hộ nông dân chăn nuôi bò sữa trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. 
Bên cạnh đó, Vinamilk tổ chức hệ thống thu mua, xây dựng trung tâm  trung chuyển, thu mua sữa tươi nguyên liệu: Vinamilk sẽ thuê đất, đầu tư xây dựng các trung tâm thu mua, trung chuyển với hệ thống thiết bị hiện đại đảm bảo thu mua tối thiểu 90% sản lượng sữa tươi nguyên liệu do người nông dân Lâm Đồng sản xuất trong vùng quy hoạch chăn nuôi bò sữa của tỉnh theo hợp đồng tiêu thụ sữa tươi. Trung tâm không chỉ là nơi thu mua sữa tươi nguyên liệu mà còn là nơi cung cấp cho các hộ chăn nuôi bò sữa các dịch vụ kỹ thuật, các loại thức ăn tinh, thức ăn hỗn hợp, thức ăn vi lượng đảm bảo chất lượng như được sử dụng trong các trang trại chăn nuôi bò sữa của Công ty Vinamilk, vật tư thú y, nguồn tinh bò giống sữa chất lượng cao và nguồn hạt giống thức ăn thô xanh và kỹ thuật canh tác các loại cây, cỏ làm thức ăn cho bò sữa để các hộ chăn nuôi bò sữa có thể xây dựng đồng cỏ, đảm bảo nguồn thức ăn thô xanh và chủ động dự trữ thức ăn ủ chua cho đàn bò của mình.
Ông Vương Ngọc Long, Trưởng ban phát triển vùng nguyên liệu, Khối phát triển vùng nguyên liệu Công ty Vinamilk giới thiệu về lịch sử hợp tác và tiềm năng phát triển ngành chăn nuôi bò sữa tỉnh Lâm Đồng
Thông qua các trung tâm thu mua sữa sữa tươi nguyên liệu này, các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về chăn nuôi - thú y đối với bò sữa cho các hộ nông dân tại tỉnh Lâm Đồng sẽ được thường xuyên tổ chức nhằm đưa các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao đến người chăn nuôi bò sữa tại địa phương. Các lớp tập huấn bồi dưỡng cho dẫn tinh viên thụ tinh nhân tạo, kỹ thuật viên, bác sĩ thú y tại địa phương cũng sẽ được tổ chức và cấp chứng chỉ đào tạo theo quy định; Vinamilk cũng sẽ nghiên cứu, có kế hoạch hợp tác với các công ty bảo hiểm để triển khai thực hiện bảo hiểm chăn nuôi bò sữa với nông dân nhằm phát triển bền vững.
Khi sản lượng thu mua của Vinamilk trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đạt trên 200 tấn sữa tươi/ngày Vinamilk sẽ xem xét dự án đầu tư xây dựng 1 nhà máy chế biến sữa trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng với công suất tương đương.
Ông Trịnh Quốc Dũng, Giám Đốc Điều Hành Vinamilk dẫn đoàn Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng tham quan Nhà máy sản xuất sữa nước của Vinamilk, tại nhà máy, các quy trình sản xuất đều được tự động hoá 100% từ khâu nhập liệu tới kho thành phẩm
Về phía UBND tỉnh Lâm Đồng sẽ lập và phê duyệt Đề án phát triển chăn nuôi bò sữa tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2015- 2020, làm cơ sở để triển khai chỉ đạo các địa phương phát triển đàn bò sữa theo quy hoạch. Trong đó, xác định rõ các khu vực phù hợp cho phát triển chăn nuôi bò sữa, diện tích trồng cỏ (cây thức ăn) đảm bảo cung cấp thức ăn thô xanh cho đàn bò sữa. Trong việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển bò sữa trên địa bàn, UBND tỉnh Lâm Đồng ưu tiên tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đảm bảo được vùng nguyên liệu (diện tích tự có và diện tích hợp tác với nông dân thông qua hợp đồng) để cung cấp thức ăn thô xanh cho đàn bò, có kinh nghiệm, thị trường, công nghệ và đảm bảo được đầu ra cho nông dân; đặc biệt có chính sách ưu tiên cho các doanh nghiệp có đầy đủ cơ sở vật chất kỹ thuật, chất lượng con giống, quy trình khép kín đồng cỏ, chăn nuôi, chế biến sữa và thị trường tiêu thụ; có kế hoạch hợp đồng dài hạn phát triển đồng cỏ với nông dân; đồng thời, chủ động diện tích đồng cỏ của doanh nghiệp đảm bảo phát triển bền vững.
Ông Trịnh Quốc Dũng, Giám Đốc Điều Hành Vinamilk giới thiệu với đoàn Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng hệ thống bồn chứa sữa tươi tại Nhà máy sữa Việt Nam của Vinamilk
Ngoài ra, để đảm bảo công tác thú y, phòng chống dịch bệnh, tỉnh Lâm Đồng sẽ tổ chức kiểm soát chặt chẽ việc tiêm phòng các bệnh truyền nhiễm bắt buộc theo quy định cho đàn trâu, bò trong dân, đặc biệt là khu vực vành đai các trang trại chăn nuôi bò sữa tập trung của Công ty Vinamilk, nhằm tạo vùng đệm an toàn dịch bệnh cho trang trại; có chính sách hỗ trợ tiêm phòng các bệnh bắt buộc theo quy định cho đàn bò sữa trong dân nhằm bảo vệ đàn bò sữa của cả tỉnh…
Với việc hợp tác giữa Vinamilk và tỉnh Lâm Đồng, đến năm 2020 dự tính đàn bò sữa của tỉnh Lâm Đồng đạt quy mô khoảng 40.000 - 50.000 con bò sữa, sản lượng sữa tươi khoảng 180.000-200.000 tấn/năm.

Chuyện mới từ bông atiso

Chuyện mới từ bông atiso
Không chỉ sản xuất cao atiso như nhiều công ty cùng ngành nghề khác, những người bạn còn rất trẻ chọn hướng đi mới cho mình, đó là sản xuất thêm nhiều sản phẩm khác như cây atiso. Từ hoa đóng hộp, bông tươi, cọng tươi..., toàn thân cây atiso được tiết kiệm triệt để. Thăm nhà máy Atiso Đà Lạt Lâm Viên mới thấy, có nhiều cách nhìn khác nhau giúp tăng giá trị loài cây độc đáo của cao nguyên Lâm Viên.

Kiểm tra chất lượng bông atiso tươi trước khi đóng vỉ
Kiểm tra chất lượng bông atiso tươi trước khi đóng vỉ
Nằm giữa vùng rau Ka Đơn, huyện Đơn Dương, Công ty Atiso Đà Lạt Lâm Viên lại chọn một hướng đi riêng với những sản phẩm “chuyển hướng”. Nếu các công ty sản xuất các sản phẩm atiso tại Đà Lạt thường chú trọng tới sản phẩm cao atiso và trà atiso thì những bạn trẻ trong ban lãnh đạo công ty chọn “rẽ lối”, chú trọng tới sản phẩm cao atiso và các sản phẩm khác liên quan, không sản xuất trà. Anh Trịnh Đức Hải, Giám đốc kinh doanh của công ty cho hay: “Là công ty ra đời sau, thị trường đã chiếm lĩnh bởi nhiều sản phẩm có sẵn nên chúng tôi chọn lối đi riêng, sản xuất sản phẩm mới để thị trường có thêm nhiều chọn lựa”. Chính từ đánh giá thị trường kỹ càng nên công ty có nhiều sản phẩm mới hoàn toàn. Đó là bông atiso tươi đóng hộp chua ngọt, cọng atiso tươi đóng hộp chua ngọt và bông, cọng tươi đã sơ chế. Riêng các sản phẩm đóng hộp atiso trước nay thường nhập khẩu theo khẩu vị châu Âu là trộn với dầu. Với các bạn trẻ, là người Việt, hiểu khẩu vị Việt nên sản phẩm đóng hộp chọn vị chua ngọt nhẹ, rất thích hợp làm món khai vị trong các bữa tiệc cũng như trong các bữa cơm gia đình. Cọng atiso giòn, ngọt, giữ nguyên chất mọng nước và pha trộn vị chua cây ngọt rất hấp dẫn. Giám đốc Trịnh Đức Hải cho hay, thị trường Hà Nội rất ưa chuộng thực phẩm đóng hộp này và công ty đang chú ý cải tiến mẫu mã để việc vận chuyển và tiêu dùng ngày càng tiện lợi cho khách hàng. Ngoài ra, cọng atiso, bông atiso tươi sơ chế sạch sẽ, xếp vỉ, sẵn sàng cho khách hàng muốn chế biến mà không mất công làm sạch nguyên liệu. 
 
Bên cạnh các sản phẩm đóng hộp hay cọng, bông tươi, Công ty Atiso Đà Lạt Lâm Viên còn sản xuất cao lá atiso tươi và nguyên liệu thô gồm thân, rễ, hoa atiso sấy khô. Giám đốc Trịnh Đức Hải chia sẻ: “Cao atiso là loại dược phẩm rất hữu ích cho sức khỏe con người, chúng tôi sản xuất chính vẫn là cao atiso nguyên liệu, xuất khối lượng lớn cho các nhà máy, các doanh nghiệp khác dùng trong ngành dược hay đồ uống, thực phẩm chức năng. Ngoài ra chúng tôi cũng có cao atiso hộp nhỏ, tiện dụng cho khách hàng sử dụng nhiều lần với nắp hộp có khóa sau mỗi lần sử dụng”. Sản phẩm nguyên liệu sấy khô từ lá, thân, rễ atiso cũng được công ty xuất cho các đối tác để tiếp tục các công đoạn chế biến khác. Chính vì chọn lối đi riêng nên sản phẩm của Atiso Đà Lạt Lâm Viên đã được thị trường chấp nhận, không phải chịu sự cạnh tranh quá lớn từ các sản phẩm cùng loại.
 
Atiso - đặc sản của Đà Lạt. Ảnh: VĂN BÁU
Atiso - đặc sản của Đà Lạt. Ảnh: VĂN BÁU
Để có được những sản phẩm đạt chuẩn, công ty đã chọn lựa, thử nghiệm và tìm ra được hai dòng atiso nhập ngoại có chất lượng phù hợp với tiêu chuẩn trích cao lá và chế biến thực phẩm. Loài chuyên lấy cao lá có hàm lượng cynarine cao, với dòng để chế biến thực phẩm là giống có bông chất lượng và năng suất cao. Qua thực nghiệm, hai dòng này đều cho kết quả tốt và được nhân giống rộng rãi. Công ty liên kết với hàng chục nông hộ theo phương thức cung cấp giống, theo dõi, tư vấn kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm. Người nông dân có trách nhiệm chăm sóc theo đúng quy trình được yêu cầu. Từ mối liên kết chặt chẽ này, hiện công ty đã có gần 20ha chuyên trồng atiso để cung cấp nguyên liệu cho sản xuất. Anh Hải cho biết thêm, thời gian tới công ty mở rộng thị trường, tăng cường sản xuất và sẽ liên kết với nhiều nông hộ hơn để đảm bảo vùng nguyên liệu atiso bền vững. Ông Trần Thanh Vũ, Trưởng phòng Công thương huyện Đơn Dương đánh giá, công ty đã có mối liên kết rất chặt chẽ với nông dân và cho ra thị trường nhiều sản phẩm chất lượng tốt, phục vụ nhu cầu người tiêu dùng. 
 
Một hướng mở mới cho cây atiso đang ngày ngày vươn lá trên đất rau Đơn Dương.

TỔNG QUAN VỀ ĐÀ LẠT - LÂM ĐỒNG

Tiềm năng du lịch

TỔNG QUAN VỀ ĐÀ LẠT - LÂM ĐỒNG

Lâm Đồng là một tỉnh miền núi Nam Tây nguyên, độ cao trung bình từ 800- 1500m so với mực nước biển, có diện tích tự nhiên 9.764 km2. Lâm Đồng nằm trên ba cao nguyên và là khu vực đầu nguồn của 7 hệ thống sông suối lớn.

Lâm Đồng có 12 đơn vị hành chính: 02 thành phố (Đà Lạt, Bảo Lộc) và 10 huyện. Thành phố Đà Lạt là trung tâm hành chính, kinh tế, chính trị xã hội của tỉnh. Các tuyến quốc lộ 20, 27, 28, 55. Các tỉnh lộ 721,722,723, 724 và 725 và đường Đông Trường Sơn nối liền Lâm Đồng với vùng Đông Nam bộ, thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh thuộc vùng Tây nguyên, các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ, tạo cho Lâm Đồng có mối quan hệ kinh tế-xã hội với các vùng kinh tế, các tỉnh trong khu vực. Trong tương lai khi tuyến đường cao tốc Dầu Giây- Liên Khương (đến sân bay Liêng Khương) được đầu tư xây dựng sẽ rút ngắn được thời gian đi từ Tp.Hồ Chí Minh-Đà Lạt còn khoảng 3-4 giờ.

Cảng Hàng không sân bay Liên Khương nằm cách trung tâm thành phố Đà Lạt 28 km về phía Nam, với đường bay dài 3.250m, công suất 1,5-2 triệu khách/năm đạt tiêu chuẩn quốc tế đáp ứng khai thác được các loại máy bay hàng không dân dụng tầm trung như A320, A321, Fokker 70 và tương đương. Hàng ngày có các chuyến bay đi Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng và ngược lại. Chính quyền tỉnh Lâm Đồng đang nổ lực hợp tác xúc tiến các tuyến bay đi Singapore, Simrip…

Dân số Lâm Đồng tính đến cuối năm 2012 là 1.233.430 người, ngoài dân tộc kinh Lâm Đồng còn là địa bàn sinh sống của nhiều cộng đồng dân tộc thiểu số như Churu, Mạ, K’Ho, M’Nông … vì thế Lâm Đồng có nhiều lễ hội văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc như lễ hội cồng chiêng, lễ hội mừng lúa mới, lễ hội đâm trâu. Đến nay, cứ hai năm một lần Lâm Đồng tổ chức lễ hội Festival Hoa Đà Lạt là lễ hội cấp Quốc gia và Lễ hội Trà Lâm Đồng.

Hệ thống cơ sở hạ tầng khác như điện, nước, bưu chính viễn thông của địa phương khá ổn định. Hiện nay 100% số xã trong tỉnh đã có điện và mạng lưới bưu chính đến trung tâm đáp ứng nhu cầu phát triển của địa phương và các nhà đầu tư.


TIỀM NĂNG VÀ THẾ MẠNH
a. Tài nguyên đất
Lâm Đồng có diện tích đất 965.969 ha, chiếm trên 98% diện tích tự nhiên bao gồm 8 nhóm đất và 45 đơn vị đất gồm các nhóm đất phù sa (Fluvisols), đất glây (Gleysols), đất mới biến đổi (Cambisols), đất đen (Luvisols), đất đỏ bazan (Ferralsols), đất xám (Acrisols), đất mùn alit trên núi cao (Alisols), đất xói mòn mạnh (Leptosols) và nhóm dốc tụ. Nhóm đất chiếm ưu thế là nhóm bazan màu mỡ.

Trong tổng số 277.000 ha đất có khả năng sản xuất nông nghiệp, trong đó có trên 212.309 ha đất đỏ bazan rất thích hợp cho việc trồng các loại cây công nghiệp dài ngày có giá trị kinh tế cao như cà phê, chè, dâu tằm, tiêu, cao su, điều…

b. Tài nguyên rừng

Lâm Đồng có 587.000 ha rừng với độ che phủ 60,4% diện tích toàn tỉnh. Do mưa nhiều, khí hậu ẩm ướt và đất đai phù hợp nên các loại tre, nứa, lồ ô có tốc độ tái sinh rất nhanh sau khi khai thác. Rừng Lâm Đồng mang nhiều nét điển hình của thảm thực vật Việt Nam, rất đa dạng, có trên 400 loại gỗ khác nhau, trong đó có một số loại gỗ quý như pơmu xanh, cẩm lai, gỗ thông 2 lá, 3 lá… và nhiều loại lâm sản khác; là vùng nguyên liệu lý tưởng đầy triển vọng cho đầu tư công nghiệp chế biến có hiệu quả. Hàng năm rừng sản xuất còn cung cấp khối lượng lớn gỗ để phục vụ công nghiệp chế biến xuất khẩu các sản phẩm gỗ có giá trị kinh tế cao.

c. Tài nguyên khoáng sản

Theo kết quả điều tra thăm dò, Lâm Đồng có 289 mỏ và điểm quặng bao gồm 30 loại khoáng sản thuộc 5 nhóm chính: kim loại, phi kim loại; đá quý – bán đá quý; đá ốp lát; nước khoáng - nước nóng và khoáng sản là vật liệu xây dựng thông thường.

Trong đó có Bauxite, Bentonite, Kaolin, Diatomite và than bùn có khả năng khai thác ở quy mô công nghiệp.

Quặng bô xít ở Lâm Đồng có trữ lượng khoảng 1,234 triệu tấn, chất lượng quặng khá tốt (hàm lượng Al2O3: 44-45%, Fe2O3: 22,7-23,6%, Si2O3: 2,1%, TiO3: 3,7%) điều kiện khai thác và vận chuyển khá dễ dàng. Sét Bentonite có trữ lượng trên 4 triệu tấn. Than nâu và Diatomite được phát hiện tại nhiều điểm, mỏ Đại Lào (thành phố Bảo Lộc) là có khả năng khai thác công nghiệp với trữ lượng 8,5 triệu m3. Cao lanh Lâm Đồng có trữ lượng khoảng 520 triệu tấn.


d. Tài nguyên nước
Lâm Đồng là tỉnh nằm trong hệ thống sông Đồng Nai, có nguồn nước rất phong phú, mạng lưới suối khá dày đặc, tiềm năng thủy điện rất lớn. Sông suối trên địa bàn Lâm Đồng phân bổ khá đồng đều, phần lớn chạy từ hướng Đông Bắc xuống Tây Nam.

Do đặc điểm địa hình đồi núi và chia cắt mà hầu hết các sông suối ở đây đều có lưu vực khá nhỏ và có nhiều ghềnh thác ở thượng nguồn. Các sông lớn của tỉnh thuộc hệ thống sông Đồng Nai. Ba sông chính ở Lâm Đồng là: Sông Đa Dâng (Đạ Đờn), Sông La Ngà, Sông Đa Nhim. Do thuận lợi là tỉnh miền núi nhiều thung lũng và hệ thống sông suối nên Lâm Đồng là nơi tích thủy với các hồ thủy điện Đa Nhim có quy mô diện tích 970ha, dung tích nước 165 triệu m3, công suất nhà máy thủy điện 160MW. Hồ Hàm thuận Đạ Mi diện tích 2500ha, dung tích nước 695 triệu m3, công suất nhà máy 300 MW, Hồ Đại Ninh diện tích 2000ha, dung tích nước 320 triệu m3 công suất nhà máy thủy điện 300MW. Các hồ trên là thắng cảnh đẹp là tiền đề cho phát triển du lịch.

VĂN HÓA - XÃ HỘI

Lâm Đồng là một vùng đất có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời với sự góp mặt của trên 43 cộng đồng nhiều dân tộc. Nơi đây còn lưu giữ nhiều dấu tích văn hoá, lịch sử của các dân tộc. Đó là những công cụ lao động, dụng cụ gia đình, đồ trang sức cá nhân… Bảo tàng Lâm Đồng hiện nay lưu giữ hơn 15.000 hiện vật với nhiều sưu tập hiện vật độc đáo và quý hiếm.

Văn học dân gian của Lâm Đồng khá phong phú, nghệ thuật ở Lâm Đồng được hình thành trên nền văn hoá Việt với những nét đặc sắc được thể hiện qua những phong tục, tập quán văn hoá của các dân tộc thiểu số bản địa. Sự phối hợp giữa các yếu tố văn hoá này với nhau tạo thành nét riêng cho văn hoá Lâm Đồng nói chung và nghệ thuật nói riêng.

Lễ hội tại Lâm Đồng cũng rất phong phú, các lễ hội lớn gồm Festival Hoa Đà Lạt, Lễ hội văn hoá trà được tổ chức hai năm một lần và rất nhiều lễ hội văn hóa dân tộc ở Lâm Đồng được tổ chức mỗi năm như Lễ hội Kồng Chiêng, Lễ hội đâm trâu, Lễ cúng thần suối, Lễ cúng thần bơmung, lễ cúng cơm mới…


GIÁO DỤC ĐÀO TẠO


Ngoài hệ thống giáo dục phổ thông, Đà Lạt - Lâm Đồng hiện có đủ các loại hình đào tạo trên cơ sở của 2 trường đại học, 5 trường cao đẳng, 5 trường trung cấp và trên 50 cơ sở dạy nghề thu hút học sinh, sinh viên của mọi miền đất nước về học tập, nghiên cứu.

Bên cạnh đó tỉnh đã quy hoạch khu làng đại học quốc tế với quy mô khoảng 500 ha tại huyện Lạc Dương và đang kêu gọi đầu tư. Nhiều trung tâm nghiên cứu của Trung ương đóng trên địa bàn như: Viện nghiên cứu hạt nhân, Trung tâm nghiên cứu nông lâm nghiệp, Trung tâm nghiên cứu cây rau, Phân viện sinh học…góp phần đáng kể trong việc ứng dụng nghiên cứu khoa học kỹ thuật vào sản xuất của tỉnh.

Lâm Đồng tiếp tục kêu gọi xã hội hóa đầu tư trên lĩnh vực giáo dục.


DU LỊCH


Đà Lạt -Lâm Đồng nằm trên cao nguyên Lâm Viên với độ cao từ trung bình từ 800-1.500m so với mực nước biển, khí hậu mát mẻ quanh năm. Trung tâm du lịch Đà Lạt cách các đô thị lớn của vùng và khu vực không xa, giao thông thuận lợi cả về đượng bộ, hàng không và có khả năng khôi phục đường sắt Đà Lạt- Tháp Chàm. Đà Lạt – Lâm Đồng có nhiều cảnh quan thiên nhiên kỳ thú nổi tiếng về hồ, thác nước, rừng thông, các công trình kiến trúc mang giá trị văn hóa - nghệ thuật cao nên Đà Lạt Lâm Đồng có điều kiện để phát triển đa dạng hóa các loại hình du lịch như: du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, tham quan, vui chơi giải trí, văn hóa- thể thao, nghiên cứu khoa học, du lịch giáo dục…

Hạ tầng du lịch Đà Lạt-Lâm Đồng ngày càng phát triển, hiện nay Lâm Đồng có 749 cơ sở lưu trú, trong đó có 202 khách sạn từ 1-5 sao (5.791 phòng) bao gồm 21 khách sạn cao cấp từ 3-5 sao quy mô 1.807 phòng. Có 29 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành- vận chuyển du lịch (7 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế). Hình thành 32 khu, điểm tham quan du lịch được đầu tư và khai thác kinh doanh cùng với hơn 60 điểm tham quan miễn phí khác ( các danh thắng tự nhiên, các công trình kiến trúc, các cơ sở tôn giáo, làng nghề, làng dân tộc bản địa, khảo cổ…)

SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP 

Rau, Hoa:
Vùng Rau tỉnh Lâm Đồng tập trung tại các địa bàn Đà Lạt, Đức Trọng, Lạc Dương, Đơn Dương và Lâm Hà. Diện tích trồng rau các loại năm 2012 là 48.781 ha với tổng sản lượng đạt 1.473.400 tấn, trong đó sản lượng xuất khẩu 10.837 tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 15,3 triệu USD. Rau Đà Lạt từng bước được sản xuất theo phương pháp rau an toàn. Tuy vậy, vấn đề giống, công nghệ sản xuất hiện đại, công nghệ sau thu hoạch và chế biến rau vẫn còn là những lĩnh vực cần có các nhà đầu tư. Thương hiệu rau Đà Lạt đã được công nhận, hiện đang tiếp tục xây dựng tiêu chuẩn GAP cho thương hiệu rau Đà lạt để đáp ứng cho thị trường xuất khẩu.

Rau Lâm Đồng được tiêu thụ ở hầu hết các thành phố lớn, các địa phương trong cả nước, về xuất khẩu Rau Lâm Đồng phần lớn được xuất khầu sang thị trường Nhật Bản, Đài Loan, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Campuchia.

Vùng sản xuất hoa tập trung chủ yếu tại Đà Lạt, Đơn Dương và Đức Trọng. Hoa Lâm Đồng đa dạng về các chủng loại và có giá trị phẩm cấp cao như: các loài hoa phong lan, địa lan, hồng, cẩm chướng, ly ly, lay ơn, loa kèn… giống hoa liên tục được đổi mới, bổ sung. Diện tích trồng hoa toàn tỉnh năm 2012 là 5.148 ha, sản lượng hoa 1.781 triệu cành, sản lượng xuất khẩu 196,69 triệu cành, kim ngạch xuất khẩu đạt 22,18 triệu USD. Hoa Hoa Đà Lạt - Lâm Đồng được tiêu thụ ở hầu hết các thành phố lớn, các địa phương trong cả nước. Về xuất khẩu, rau -hoa Đà Lạt - Lâm Đồng đã tham gia vào thị trường của các nước: Nhật Bản, Singapore, Đài Loan, Úc, Thái Lan, Bỉ, Hà Lan, EU, Mỹ, Trung Quốc,… Đã có doanh nghiệp đầu tư có hiệu quả trên lĩnh vực này, nhưng ngành trồng hoa áp dụng công nghệ cao của Đà Lạt - Lâm Đồng vẫn còn nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư khác.

Trà và Cà Phê:
Thuận lợi về tài nguyên đất đai với sự phân bổ khá tập trung của một số các loại đất tạo thích nghi cây trồng nên từ lâu Lâm Đồng hình thành vùng chuyên canh chè, cà phê, dâu tằm (các huyện Bảo Lâm, Bảo Lộc, Di Linh, Lâm Hà).

Đến năm 2012 quy mô diện tích cây công nghiệp là 170.000ha (cà phê 144.170ha, chè 24.300ha, trong đó có 1.000 ha trà có chất lượng cao như các loại Olong, Kim Xuyên, Tứ Quý,...). Sản lượng cà phê xuất khẩu 80.681 tấn; giá trị xuất khẩu 173,69 triệu USD, sản lượng chè xuất khẩu 11.616 tấn; giá trị xuất khẩu 18,375 triệu USD.

Chè, cà phê của Lâm Đồng đã đến với nhiều quốc gia trên thế giới, chủ yếu tại các khu vực: Nhật Bản, EU, Đài Loan, Trung Đông, Canada, Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia…
 http://www.lamdong.gov.vn/VI-VN/HOME/ABOUT/Pages/tiem_nang_du_lich.aspx

Liên hiệp Thư viện khu vực miền Đông Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ tổ chức Liên hoan cán bộ thư viện tuyên truyền giới thiệu sách năm 2015 với chủ đề “Việt Nam – Đất nước, con người” tại tỉnh Bình Thuận

Ngày 23/6/2015, Vụ Thư viện – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) phối hợp với Sở VHTTDL tỉnh Bình Thuận; Liên hiệp Thư viện khu vực miền Đông Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ tổ chức Liên hoan cán bộ thư viện tuyên truyền giới thiệu sách năm 2015 với chủ đề “Việt Nam – Đất nước, con người” tại tỉnh Bình Thuận.
Với 200 viên chức của 09 đội đến từ 09 thư viện tỉnh, thành phố thuộc Liên hiệp tham dự và trải qua 3 phần thi: Giới thiệu đội hình; tuyên truyền giới thiệu sách; năng khiếu. Các tiết mục đã có sự chuẩn bị chu đáo, công phu, giới thiệu được nét đẹp văn hoá truyền thống của đất nước, con người Việt Nam; về Chủ tịch Hồ Chí Minh; biển đảo Việt Nam; lịch sử của vùng đất miền Đông Nam Bộ; lịch sử phát triển và thế mạnh kinh tế của địa phương, hoạt động của thư viện mình… Các đội thi đã mang đến Liên hoan những màn tuyên truyền giới thiệu sách độc đáo, thể hiện tài năng sáng tạo và năng động của người làm công tác thư viện.
Liên hoan cán bộ thư viện tuyên truyền giới thiệu sách thực sự đã tạo nên sân chơi ý nghĩa, là cơ hội để người làm công tác thư viện miền Đông Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, mở rộng kiến thức, nâng cao hiểu biết về chuyên môn, nghiệp vụ, lòng yêu nghề để phát triển hệ thống thư viện ngày càng vững mạnh. Thông qua Liên hoan, những sách, báo, tư liệu giới thiệu về truyền thống lịch sử, văn hoá, các cuộc đấu tranh anh dũng chống giặc ngoại xâm của dân tộc, vẻ đẹp thiên nhiên của đất nước, con người Việt Nam cũng thu hút được sự quan tâm của đông đảo tầng lớp nhân dân.
Kết thúc Liên hoan, 02 giải A đã được trao cho Thư viện tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Thư viện tỉnh Bình Dương; 07 giải B thuộc về Thư viện tỉnh Tây Ninh, Thư viện tỉnh Bình Thuận, Thư viện tỉnh Lâm Đồng, Thư viện tỉnh Ninh Thuận, Thư viện tỉnh Đồng Nai, Thư viện tỉnh Bình Phước, Thư viện KHTH Tp. Hồ Chí Minh; Ngoài ra, Ban Tổ chức cũng trao 03 giải phụ cho từng phần thi và 02 giải phong cách.
Hình ảnh cùng sự kiện:
Ông Nguyễn Ngọc Hạnh – Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận phát biểu chào mừng Liên hoan
Bà Vũ Dương Thúy Ngà – Phó Vụ trưởng Vụ Thư viện phát biểu chỉ đạo Liên hoan
Ông Bùi Xuân Đức – Chủ tịch Liên hiệp thư viện khu vực miền Đông Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ phát biểu khai mạc Liên hoan
Các đội tham dự Liên hoan
Phần thi của Thư viện tỉnh Bình Thuận
Phần thi của Thư viện tỉnh Bình Phước

Phần thi của Thư viện tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu

Phần thi của Thư viện tỉnh Bình Dương

Phần thi của Thư viện tỉnh Đồng Nai

Phần thi của Thư viện tỉnh Lâm Đồng

Phần thi của Thư viện tỉnh Tây Ninh

Phần thi của Thư viện tỉnh Ninh Thuận

Phần thi của Thư viện KHTH thành phố Hồ Chí Minh

Bà Vũ Dương Thúy Ngà - Phó Vụ trưởng Vụ Thư viện và ông Phạm Thế Khang – Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam trao giải cho các đội đạt giải B

Bà Phạm Thị Song Vân – Phó Trưởng Ban Tuyên giáo tỉnh Bình Thuận trao giải cho các đội đạt giải A

Ông Nguyễn Ngọc Hạnh – Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận trao giải cho các đội đạt giải phụ

Bà Kiều Thuý Nga – Giám đốc Thư viện Quốc gia Việt Nam trao giải cho các đội đạt giải Phong cách
_________
Tin và ảnh: Thanh Hà