QUỸ BILLGATES

DỰ ÁN BMGF VN

I.QUỸ BILL & MELINDA GATES (BMGF).
Được dẫn dắt bởi một niềm tin rằng mỗi một cuộc đời có một giá trị như nhau,BMGF làm việc để giúp tất cả mọi người có sức khỏe dồi dào và cuộc sống hữu ích.Tại các nước đang phát triển,Qũy tập trung vào việc cải thiện sức khỏe con người và cho họ cơ hội để chính họ tự thoát khỏi nạn đói và nghèo cùng cực.Ở Mỹ,Qũy tìm cách để đảm bảo rằng tất cả mọi người, đặc biệt là những người có ít nguồn lực nhất được tiếp cận với các cơ hội mà họ cần để thành công trong trường học và trong cuộc sống.Qũy đặt trụ sở ở Seattle,lãnh đạo là CEO Jeff Raikes và đồng chủ tịch William H. Gates Sr.,hoạt động dưới sự chỉ đạo của Bill và Melinda Gates,và Warren Buffett.


II.DỰ ÁN NÂNG CAO KHẢ NĂNG SỬ DỤNG MÁY TÍNH VÀ TRUY NHẬP INTERNET CÔNG CỘNG TẠI VIỆT NAM.
Dự án "Nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy nhập internet công cộng tại Việt Nam" do Qũy Bill & Melinda Gates Foundation (Hoa Kỳ) tài trợ đã được Thủ tướng Chính phủ ký tiếp nhận vào tháng 7 năm 2011 và giao Bộ Thông tin-Truyền thông làm chủ Dự án;Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch và 40 tỉnh được hưởng lợi từ Dự án cùng triển khai.
Mục tiêu của Dự án là góp phần nâng cao năng lực phục vụ và cách thức cung cấp thông tin thông qua máy tính và internet cho các TVCC và điểm Bưu điện -Văn hóa xã với tầm nhìn mới.Tập trung hỗ trợ người dân nghèo,nhóm thiệt thòi và những người sống ở vùng đặc biệt khó khăn có cơ hội được tiếp cận bình đẳng;hiệu quả và bền vững với công nghệ thông tin và được hưởng những lợi ích về kinh tế xã hội mà việc tiếp cận với công nghệ thông tin mang lại.Từ đó cải thiện cuộc sống của cá nhân,đóng góp cho gia đình,cộng đồng và xã hội.
Mục tiêu của Chương trình đào tạo trong Dự án này là:
Tăng cường năng lực cán bộ chuyên môn của thư viện và điểm Bưu điện -Văn hóa xã để thực hiện các chương trình và hoạt động nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy nhập internet công cộng tại địa phương.
Tăng cường năng lực cán bộ quản lý.

 III.DỰ ÁN BILL GATES ĐẾN VỚI THƯ VIỆN TỈNH LÂM ĐỒNG.
Thư viện tỉnh Lâm Đồng đã tiếp nhận dự án "Nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy nhập internet công cộng tại Việt Nam" do quỹ Bill &Melinda Gates tài trợ.Nhằm tạo điều kiện cho bạn đọc được hưởng lợi từ dự án này,Thư viện tỉnh Lâm Đồng đã mở cửa  phục vụ bạn đọc khai thác internet miễn phí từ sau ngày 2/9/2013 để đáp ứng nhu cầu thông tin,học tập,văn hóa và giải trí của người dân.
Thời gian mở cửa :Từ thứ 2 đến thứ 7 hàng tuần
                             Sáng từ 7h15 đến 11h15
                             Chiều từ 13h30 đến 16h45
Địa chỉ :Phòng truy cập internet miễn phí của Thư Viện Tỉnh Lâm Đồng tại số 22 -Trần Phú -Đà Lạt.



                                  

ĐỔI MỚI CÁCH ĐƯA " INTERNET VỀ LÀNG"

CTnews - Tuyên truyền, đào tạo và hướng dẫn người dân sử dụng máy tính và Internet là những vấn đề được xác định rất quan trọng trong việc đưa Internet về nông thôn.
Từ tháng 1/2009 đến tháng 6/2010, Quỹ châu Á đã phối hợp với Thư viện Quốc gia Việt Nam và các cơ quan tại Việt Nam thực hiện dự án “Nâng cao năng lực cho hệ thống thư viện công cộng và điểm Bưu điện Văn hóa xã” tại 3 tỉnh Nghệ An, Thái Nguyên và Trà Vinh. Đây là dự án do Quỹ châu Á thực hiện hỗ trợ và bổ sung cho dự án thí điểm “Nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy cập Internet công cộng tại Việt Nam” do Quỹ Bill & Melinda Gates tài trợ.
Trong khi Bộ TT&TT tập trung xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng thông tin và đào tạo kiến thức cơ bản về sử dụng máy tính và Internet tại các điểm truy cập Internet công cộng, Quỹ châu Á tập trung nâng cao năng lực cho các thư viện và điểm BĐVHX để tạo môi trường thân thiện, tăng cường khả năng tiếp cận và sử dụng có ích Internet, giúp người dân dễ dàng tiếp cận dịch vụ thư viện, sử dụng máy tính, Internet miễn phí ở những điểm dự án chọn làm thí điểm.
Tập trung cải thiện phương pháp và tài liệu đào tạo
Dựa trên kết quả khảo sát thực trạng năng lực và dịch vụ ở thư viện công cộng, điểm BĐVHX, Thư viện quốc gia đã phối hợp cùng Quỹ châu Á xây dựng chương trình và nội dung đào tạo nhằm nâng cao kỹ năng và kiến thức cho các cán bộ. Chương trình và nội dung tài liệu đào tạo cũng liên tục được điều chỉnh cho từng khóa đào tạo dựa trên các ý kiến phản hồi của giảng viên và học viên, góp phần cho sự thành công của chương trình đào tạo.
Dự án đã phát hành 500 cuốn tài liệu hướng dẫn cách tổ chức đào tạo và tập huấn liên quan đến kỹ năng phục vụ bạn đọc và khách hàng; 3.000 sách nhỏ “Tối đa hóa tiện ích của Internet” để phát cho các điểm của dự án sử dụng lâu dài; 20.000 tờ rơi (mỗi bộ 10 loại) hướng dẫn sử dụng Internet để khai thác các nội dung thông tin và những tiện ích cơ bản của Internet dùng phát trực tiếp cho người dân tại các điểm dự án hoặc các sự kiện như ngày hội Internet….
Sau 18 tháng thí điểm, Quỹ châu Á và Thư viện Quốc gia đã tổ chức 12 khóa đào tạo nhằm nâng cao năng lực phục vụ cho 225 cán bộ tại địa phương và các điểm dự án. Các học viên đều đánh giá mục tiêu, nội dung khóa học tốt, hữu ích. Cụ thể, 88,5% đến 96,2% học viên của 3 tỉnh cho rằng công tác đào tạo tốt. Báo cáo đánh giá tác động của Ban Quản lý dự án thí điểm “Nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy cập Internet công cộng” cũng khẳng định các nhân viên BĐVHX rất thích được học lớp kỹ năng phục vụ do Quỹ châu Á tổ chức. Thậm chí, một số cán bộ còn nói “học xong lớp đó về cười với khách hàng nhiều hơn, bản thân mình cũng thấy thoải mái phấn khởi hơn với công việc đang làm”. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng 3,8%-11,5% đánh giá ở mức trung bình. Ngoài ra, nhiều ý kiến cho rằng cần đào tạo thêm kỹ năng quản trị mạng và kỹ năng phần mềm cho các đơn vị thụ hưởng, vì cán bộ phụ trách tại các điểm của Dự án sẽ là người hướng dẫn cho người dân đến khai thác và sử dụng Internet đúng mục đích và hiệu quả.
Theo kết quả điều tra của Ban Quản lý dự án, sau khi có dịch vụ truy cập Internet công cộng đã có 76,2% khách hàng tới điểm BĐVHX và 73,1% bạn đọc đến thư viện để truy cập Internet, trước đây là 0% (do thư viện chưa có dịch vụ, còn điểm BĐVHX tuy có nhưng hầu hết không tồn tại). Ngoài ra, có đến 46,8% lượng khách hàng đến các điểm dự án trên là khách hàng mới.
Ông Dương Duy Tiến, lãnh đạo Thư viện tỉnh Nghệ An, cho rằng dự án này đã tạo môi trường thân thiện để người dân dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ. “Các thông tin hữu ích thiết thực với đời sống và sản xuất tại địa phương sẽ góp phần nâng cao kiến thức và kỹ năng cho người dân”, ông Tiến nói. “Về lâu dài, những thông tin này sẽ giúp cải thiện đời sống của họ”.
Ngày hội Internet – cách truyền thông sống động
Ngoài các hoạt động đào tạo, Thư viện Quốc gia và Quỹ châu Á đã phối hợp với các thư viện tỉnh, huyện và điểm BĐVHX để tổ chức 3 ngày hội Internet cấp tỉnh và 45 ngày hội Internet cấp xã để giới thiệu, quảng bá cho việc sử dụng máy tính và truy cập Internet. Các sự kiện đã thu hút hàng chục nghìn người tham dự, đặc biệt có cả bà con dân tộc trên địa bàn 3 tỉnh. Trung bình mỗi ngày hội có khoảng 400-500 người tham dự.
Các ngày hội Internet được đánh giá đã mang đến phong cách truyền thông mới, sống động và đạt hiệu quả cao. Thông qua ngày hội, không những thông điệp của dự án “Máy tính và Internet làm giàu cuộc sống” được truyền tải một cách sâu rộng tới người dân, các hoạt động trong khuôn khổ ngày hội cũng đã giúp người dân, đặc biệt người dân vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc và các em học sinh, sinh viên nghèo được tiếp cận với máy tính, được hướng dẫn sử dụng máy tính và truy cập Internet để hiểu thêm về lợi ích do CNTT-TT mang lại. Qua đó, người dùng đã khai thác nhiều thông tin để áp dụng trong phát triển sản xuất, chăm sóc sức khỏe, chính sách pháp luật của Nhà nước, nâng cao hiểu biết về mọi mặt… vươn tới làm giàu cho cuộc sống. Ngoài ra, việc mời các huyện, xã tham gia vào công tác tổ chức ngày hội Internet cũng tác động tích cực, giúp các cán bộ huyện, xã hiểu thêm về mục đích và lợi ích của dự án đem lại, từ đó hỗ trợ tích cực cho việc triển khai dự án đạt kết quả tốt.
Tuy vậy, hoạt động tuyên truyền vẫn còn một số hạn chế, như công tác truyền thông trước và sau khi tiếp nhận dự án còn chưa rộng khắp, chưa thường xuyên nên nhiều người dân ở vùng sâu, vùng xa chưa nắm bắt được thông tin. Đối tượng sử dụng chủ yếu là học sinh, song lại chưa sử dụng Internet đúng mục đích, chủ yếu vẫn để chơi game.
Ngoài ra, khi tổ chức nên dựa vào một số đơn vị, tổ chức như trường học, đoàn thanh niên, hội nông dân, hội phụ nữ để tuyên truyền trước cho ngày hội Internet và kêu gọi sự tham gia nhiệt tình từ phía trường, hội này. Việc phát huy việc chọn những gương điển hình “người thật việc thật” đã được biết đến ngay trong xã, huyện, tỉnh để giới thiệu trong ngày hội Internet sẽ đạt hiệu quả tuyên truyền cao hơn.
Mạnh Hùng





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét