10/08/2013

Người Việt ít đọc sách

Người Việt ít đọc sách: Vấn đề không mới (Phần 1)

16:00, 06 Tháng Mười 2013
(Cinet) – Theo công bố được Bộ VHTTDL đưa ra trong dịp ngày hội đọc sách tổ chức hồi cuối tháng 4 năm nay, trung bình mỗi người Việt Nam đọc chưa đến 1 cuốn sách mỗi năm. Một đất nước với truyền thống hiếu học nhưng lại ít người đọc sách, hơn nữa không phải là một vấn đề mới, vậy chăng đây là một nghịch lý?
Mỗi người Việt đọc chưa đến 1 quyển sách mỗi năm - con số khiến nhiều người giật mình
Câu hỏi cũng như vấn đề này thực chất không mới, nó đã được nhắc đến rất nhiều trên báo chí, trên các phương tiện truyền thông. Cũng đã có nhiều cuộc hội thảo, hội nghị được tổ chức để bàn bạc về thực trạng này và sẽ còn tiếp tục được tổ chức cho đến khi thực sự tìm ra một giải pháp hữu hiệu.
Nhiều người cho rằng, không đọc sách thì có sao? Trước đây, không đọc sách thì không có kiến thức còn ở thời đại này, để có thông tin chẳng thiếu gì cách mà phải mất thời gian để đọc sách. Quả thật nói vậy cũng chẳng sai nhưng mà lại chưa đúng. 
Các hiệu sách với đủ chủng loại đầu sách ngày nay đang bị đe dọa bởi mạng internet, bởi chỉ cần vào internet và tìm kiếm trên Google, mọi câu hỏi sẽ được giải đáp..

Không sai là bởi trước khi xã hội phát triển như hiện nay, nếu không đọc sách thì đồng nghĩa với việc không có kiến thức. Còn bây giờ, muốn tìm kiếm 1 thông tin rất đơn giản chỉ cần vào internet, tìm kiếm trên Google, không quá 1 phút đã có hàng trăm đến hàng nghìn kết quả. Đơn giản, dễ dàng như thế thì việc con người ngày càng lười đọc sách chẳng có gì là khó hiểu. Chưa đúng là bởi việc tìm kiếm quá dễ dàng thông tin, việc có thể cóp nhặt từ internet mọi thứ cần thiết cho công việc, cho học tập đã và đang làm cho con người ngày càng lười học tập và tư duy. Những kiến thức dễ dàng tìm kiếm kia cũng nhanh chóng bị quên lãng chứ không lưu lại lâu như khi chúng ta học được chúng từ một cuốn sách. 
Sự phát triển mạnh mẽ của các mạng xã hội, của giải trí truyền hình và nhiều hình thức giải trí khác nữa đã lấy hết thời gian của con người, Không còn thời gian nào dành cho việc đọc sách...

Hàng trăm lý do để giải thích cho vấn đề không mới này. Trước đây nhiều người đọc sách bởi họ cần thông tin, cần tri thức và bên cạnh đó đọc sách còn là một hình thức giải trí. Còn bây giờ, để giải trí thì đã có phim ảnh, truyền hình, trò chơi điện tử những sản phẩm công nghệ tiên tiến… Bên cạnh đó, trong một xã hội phát triển, nhịp sống của mỗi con người gấp gáp, hối hả hơn cũng là điều tất yếu. Giữa bao bộn bề, lo toan, cuộc sống, gia đình, công việc, học tập…để tìm một khoảng lặng cho việc đọc sách cũng là một việc khó với nhiều người. Mặt khác, xã hội hiện đại tuy đem đến cuộc sống đầy đủ hơn cho người dân nhưng cũng mang đến nhiều thói quen không tốt ảnh hưởng đến tư duy, cách nhìn nhận suy nghĩ cũng như hành động của một bộ phận không nhỏ. Ví dụ có thể nhìn thấy ngay đó là việc hàng nghìn các cửa hàng internet mọc lên như nấm là nơi để nhiều bạn trẻ tiêu phí thời gian cho việc vùi đầu trong một thế giới ảo, với những trò chơi ảo và những trang mạng đen. Những quán cà phê, quán nhậu nhan nhản khắp đường lớn, phố nhỏ là nơi để người ta tìm đến gặp gỡ, chuyện trò, tám chuyện thay vì đọc sách….Vài năm gần đây một trào lưu mới đã xuất hiện nhưng ngay lập tức đã tạo nên một cơn sóng mạnh thu hút không chỉ với giới trẻ mà còn nhiều lứa tuổi và thành phần khác cũng tham gia đó là mạng xã hội. Cơn lốc của My Space, Twitter, Yume, Zing Me và đặc biệt là Face Book là lấy đi không chỉ thời gian rảnh rỗi và còn cả thời gian dành cho công việc và học tập của một cộng đồng lớn những thành viên tham gia…
Và còn nhiều, nhiều những lý do khác nữa để lý giải cho việc ngày càng có ít người thích đọc sách, không cần thiết phải liệt kê hết.
Thực tế, chúng ta không phủ nhận những giá trị mà truyền hình, điện ảnh, các trò chơi hiện đại hay các phương tiện nghe nhìn nói chung mang lại cho con người. Bởi suy cho cùng tất cả những thứ đó đều do con người tạo ra để phục vụ mục đích giải trí của mình. Tuy nhiên khi các phương tiện này lấn át văn hóa đọc sẽ làm cho con người trở nên thụ động, lười suy nghĩ, tư duy vì thế cũng sẽ không phát triển như những người ham đọc sách. Lý do là bởi việc tiếp cận thông tin qua cách thức nghe, nhìn đơn giản và nhanh hơn nhiều so với thời gian đọc và hiểu một cuốn sách. Việc tham gia vào một mạng xã hội không xấu, nó chỉ xấu khi chúng ta quá lạm dụng và tiêu phí nhiều thời gian để sống trong một cuộc sống ảo, nơi mà cái gì cũng đẹp nhưng chưa chắc đã thật. Trong khi đó, nếu chỉ cần bớt 1 chút thời gian vào Face Book hay các mạng xã hội mỗi ngày là chúng ta đã có thời gian để đọc sách – thứ giúp cho mỗi chúng ta thêm hiểu biết và những giá trị thật.
Chính vì việc đọc sách quan trọng như vậy nên khi vấn đề người Việt ngày càng ít đọc sách mới trở thành đề tài nóng thường xuyên được bàn tới, đặc biệt khi mà Bộ VHTTDL công bố con số mỗi người Việt Nam không đọc hết 1 cuốn sách mỗi năm, con số khiến nhiều người giật mình. 
Thứ trưởng Bộ VHTTDL phát biểu trong Ngày hội đọc sách 2013
Nhà thơ Trần Đăng Khoa

Có thể nói dù xã hội có phát triển, dù ngày càng có nhiều thiết bị công nghệ hiện đại thì tất cả cũng không thể thay thế việc đọc sách. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Huỳnh Vĩnh Ái đã nhấn mạnh vấn đề này trong ngày Hội sách 2013: “Đọc sách là một thói quen đẹp nhưng đang bị mai một, vì thế cần có những chiến lược, chương trình để thu hút mọi người quan tâm hơn đến sách”.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa trong một cuộc họp báo đã nói về vấn đề này: “Ở nước ngoài, nhìn đâu cũng thấy người đọc sách. Người ta đọc sách ở phòng chờ sân bay, trên các bến xe hay trong tầu điện ngầm. Người Việt không có thói quen như thế”. Còn theo TS. Nguyễn Quang A, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển IDS thì: một dân tộc không đọc sách sẽ không thể phát triển được, sẽ phải sống trong nghèo khổ.
Còn rất nhiều những ý kiến, những nhận định của các nhà quản lý,  nhà văn, nhà thơ, dịch giả, nhà khoa học…về sự quan trọng của việc đọc sách cũng như vấn đề người Việt không có thói quen đọc sách. Vấn đề này đã là một đề tài không mới, là một thực trạng diễn ra từ khá lâu. Ngoài những lý do chung đã nêu ở trên, thực tế người Việt ít đọc sách là bởi sự lười biếng hay bởi họ không thích, hoặc còn một lý do gì khác? Vì nói cho cùng Việt Nam là một dân tộc hiếu học, ít đọc sách hẳn là phải có những yếu tố tác động khác. 
Dù vậy, vài năm gần đây thực trạng ít đọc sách của người Việt Nam đã và đang có chiều hướng thay đổi.
(Còn tiếp)
Nguyễn Hương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét