Văn hoá đọc đang ngày càng lép vế. Tình trạng lười đọc, sợ đọc đang phổ biến trong giới trẻ, công chức văn phòng... Quá nhiều lời cảnh báo về sự xuống cấp nghiêm trọng của văn hoá đọc được các nhà khoa học, quản lý, chuyên gia đưa ra tại hội thảo khoa học Văn hoá đọc và Ngày đọc sách Việt Nam, do Bộ TT & TT, Ban Tuyên giáo TƯ, Hội Xuất bản VN phối hợp tổ chức ngày 8.10 tại Hà Nội. Hội thảo được tổ chức nhằm thu thập ý kiến, cứ liệu giúp hoàn thiện các văn bản trình Chính phủ công nhận Ngày đọc sách Việt Nam.
Đến công chức văn phòng còn lười đọc sách...
Theo ông Nguyễn Ngọc Bảo, Phó Cục trưởng Cục Xuất bản (Bộ TT&TT), có hàng loạt nguyên nhân khiến văn hoá đọc VN ngày càng xuống cấp trầm trọng: chưa hình thành nên một chiến lược phát triển văn hoá đọc trên bình diện quốc gia; chưa giáo dục kỹ năng đọc có hệ thống từ bậc tiểu học đến đại học; mức hưởng thụ đọc giữa thành thị và nông thôn còn chênh lệch quá xa và thiếu thốn những ấn phẩm có giá trị cao thu hút người đọc...
PGS. TS Phan Trọng Thưởng, Phó Chủ tịch Hội đồng lý luận phê bình VHNT TƯ lo lắng, hiện tượng ít đọc, ngại đọc, thậm chí không đọc đang cho thấy sự lép vế của văn hoá đọc so với văn hoá nghe - nhìn. Ông dẫn chứng từ một điều tra xã hội học ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh: đối tượng là thanh niên từ 15-30 tuổi thì cứ 100 người có gần 30 người thường xuyên đọc; 56 người thỉnh thoảng; 10 người hiếm khi và 10 người không bao giờ đọc. Từ đây, có thể thấy những đối tượng khác, địa bàn khác (nông thôn, miền núi) thì tỉ lệ người “thỉnh thoảng đọc, hiếm khi đọc và không bao giờ đọc” còn cao đến mức độ nào. Ông Nguyễn Kiểm, Phó Chủ tịch thường trực Hội Xuất bản VN nhận định, ngày nay, khi đời sống đã có nhiều cải thiện về vật chất và tinh thần, khi văn hoá nghe nhìn thu hút và hấp dẫn nhiều người thì cũng đồng thời giành giật cả về số lượng khán thính giả và quỹ thời gian của xã hội đối với văn hoá đọc truyền thống.
Một cách nhìn từ thực tế, ông Nguyễn Hoài Nam, Ban Văn nghệ Đài THVN đưa hàng loạt ví dụ để chứng minh cho nhận định “đến công chức văn phòng còn lười đọc sách...”: “Ta sẽ nói gì đây khi một nhà văn VN gọi điện thoại rủ bạn đến tham gia hội thảo về ông “Susaraki” (tức nhà văn Nhật Bản nổi tiếng thế giới Murakami). Ta sẽ nói gì đây khi ở một cửa hàng sách lớn nhất Hà Nội, cuốn tiểu thuyết “Từ điển Khazar” của Milorad Pavic trong khu vực bày từ điển? Sẽ nói gì đây khi trưởng đoàn một đoàn kịch nổi tiếng một thời về dựng những vở kịch kinh điển của thế giới hỏi rằng “Phedre của Racine à? Nó có hay không???”. Chắc chắn, nhiều người sẽ không thể thờ ơ khi ông Nguyễn Hoài Nam đặt câu hỏi: “Khi những công chức văn hoá, những người lẽ ra phải đọc sách một cách ráo riết nhất lại không, hoặc lười đọc sách, thì việc văn hoá đọc của toàn xã hội xuống cấp có đáng để chúng ta phải xem như một việc quá đỗi nghiêm trọng và bất bình thường hay không?”.
Sẽ có Ngày đọc sách Việt Nam
Không hẳn là giải pháp để hãm phanh tình trạng xuống dốc trầm trọng của văn hoá đọc hiện nay, nhưng theo nhiều chuyên gia, các nhà quản lý thì tổ chức một Ngày đọc sách ở VN là một việc cần và nên làm. Ông Võ Tử Thành, nguyên Vụ trưởng Vụ Báo chí - Xuất bản, Ban Tuyên giáo TƯ chia sẻ lo ngại, người ta có thể vững tin khi chứng kiến hiệu quả hoạt động của một thư viện thôn phục vụ cả ngàn bạn đọc thì cũng sẽ rất lo lắng bởi những mô hình hoạt động này vô cùng hiếm hoi. Có thể thấy vui khi nhiều bộ sách hướng đến các đối tượng công chúng trong xã hội được xuất bản nhưng lại thấy buồn khi chẳng mấy ai có khả năng tiếp cận và muốn tiếp cận những ấn phẩm này... Bởi thế, cần có cả những cách làm phổ thông hơn, phù hợp hơn.
Không hẳn là giải pháp để hãm phanh tình trạng xuống dốc trầm trọng của văn hoá đọc hiện nay, nhưng theo nhiều chuyên gia, các nhà quản lý thì tổ chức một Ngày đọc sách ở VN là một việc cần và nên làm. Ông Võ Tử Thành, nguyên Vụ trưởng Vụ Báo chí - Xuất bản, Ban Tuyên giáo TƯ chia sẻ lo ngại, người ta có thể vững tin khi chứng kiến hiệu quả hoạt động của một thư viện thôn phục vụ cả ngàn bạn đọc thì cũng sẽ rất lo lắng bởi những mô hình hoạt động này vô cùng hiếm hoi. Có thể thấy vui khi nhiều bộ sách hướng đến các đối tượng công chúng trong xã hội được xuất bản nhưng lại thấy buồn khi chẳng mấy ai có khả năng tiếp cận và muốn tiếp cận những ấn phẩm này... Bởi thế, cần có cả những cách làm phổ thông hơn, phù hợp hơn.
Theo ông Võ Tử Thành, chọn Ngày đọc sách VN vào 21.4 hằng năm là hợp lý, bởi ngày này gắn liền với thời gian công bố việc xuất bản cuốn Đường Kách mệnh, cuốn sách lý luận cách mạng đầu tiên của VN do Chủ tịch Hồ Chí Minh viết, đồng thời gắn liền với một sự kiện quan trọng mang tầm quốc tế khác: Ngày sách và bản quyền thế giới 23.4. Ngoài ra, điều quan trọng nhất là phải xác định cho trúng và đúng những điều kiện để tổ chức thành công ngày hội. Yếu tố quan trọng đầu tiên là phải xuất bản được những bộ sách, tủ sách, cuốn sách có chất lượng, hay, với nhiều thể loại, chủ đề phù hợp với nhu cầu của các bạn đọc khác nhau. Đồng thời, phải tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sách và phương pháp đọc sách một cách bài bản, có chủ đích, hệ thống thay vì cách làm “ăn xổi ở thì”, “gặp đâu làm đấy” hoặc vô tình cổ vũ , khuyến khích khuynh hướng “thương mại hoá” đối với những cuốn sách có nội dung không lành mạnh.
Ông Nguyễn Kiểm, Phó Chủ tịch thường trực Hội Xuất bản VN cũng cho rằng, việc đề nghị Nhà nước công nhận Ngày sách Việt Nam là rất cần thiết. Nhưng trước hết cần bàn về tên gọi. Có ý kiến cho rằng nên gọi là Ngày Tết sách; ý kiến khác lại đề nghị là Ngày toàn dân đọc sách hoặc Ngày đọc sách Việt Nam... Cũng theo ông Kiểm, tên gọi Ngày sách Việt Nam có lẽ sẽ bao hàm nhiều ý nghĩa hơn cả. Đồng thời nên chọn ngày 21.4 để đề nghị Chính phủ xem xét, quyết định là Ngày sách Việt Nam.
Kết luận hội thảo, ông Nguyễn Thế Kỷ, Phó Trưởng ban Tuyên giáo TƯ cho biết, các vấn đề về chọn thời gian, tên gọi Ngày đọc sách sẽ tiếp tục được cân nhắc trên cơ sở không áp đặt mà cần gắn kết cộng đồng, huy động tối đa lực lượng cả trong và ngoài nước sao cho có tính thuyết phục cao nhất. Ngay sau hội thảo này, BTC sẽ hoàn thiện kỷ yếu, viết báo cáo gửi Ban Bíthư để làm cơ sởtrình Chính phủ.
|
Hà Phương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét