10/09/2013

Văn hóa đọc: Yếu thế trong Xã hội hiện đại

Cinet) - Trong nhịp sống hiện đại với quá nhiều các thiết bị điện tử, quá nhiều phương tiện giải trí nghe nhìn khác nhau...văn hóa đọc đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Có một thực tế dễ dàng nhận thấy là văn hóa đọc trong thời hiện đại đang giảm đi rõ rệt.

Đọc sách có đang yếu thế trong xã hội hiện đại?
Đọc chính là học tập và truyền bá tri thức của nhân loại. Khi kho tàng tri thức ấy không ngừng được bổ sung, ngày càng lớn lên với thời gian thì văn hóa đọc cũng cần phát triển không ngừng. Với kho tàng tri thức khổng lồ, mỗi con người có đọc cả đời cũng không thể hết được kiến thức.

Trước hết cần phải hiểu văn hóa đọc là một khái niệm có hai nghĩa, nghĩa rộng và nghĩa hẹp. Ở nghĩa rộng, đó là ứng xử đọc, giá trị đọc và chuẩn mực đọc của mỗi cá nhân, của cộng đồng xã hội và các nhà quản lý và cơ quan quản lý nhà nước. Như vậy, văn hóa đọc ở nghĩa rộng là sự hợp thành của ba yếu tố. Còn ở nghĩa hẹp, đó là ứng xử là giá trị và chuẩn mực đọc của mỗi cá nhân. Ứng xử, giá trị và chuẩn mực này cũng gồm ba phần là: thói quen đọc, sở thích đọc và kỹ năng đọc.

Các gameshow ngày càng nhiều trên truyền hính khiến cho cách thức giải trí cũng thay đổi

Nếu như trước kia sách là con đường lớn nhất để con người tiếp cận thông tin và tiếp cận văn hóa, tri thức. Ngồi trong nhà không thể biết được mọi sự diễn ra bên ngoài…tất cả chỉ có thể nhờ vào việc đọc sách. Thì nay với sự phát triển của cuộc sống hiện đại, ngoài sách, con người còn tiếp nhận thông tin của các phương tiện đại chúng như: Truyền hình, phim ảnh, internet…đặc biệt kể từ khi xuất hiện Internet, chỉ với một chiếc máy tính, con người ta có thể ngồi một chỗ và tìm hiểu văn hóa, lịch sử, thông tin của cả thế giới. Không chỉ có vậy, các phương tiện truyền thông, internet dường như hấp dẫn hơn những quyển sách bởi chúng đem lại những hiệu ứng hình ảnh, âm thanh bắt mắt, sống động. Và còn bởi các thiết bị hiện đai làm cho con người nhàn hơn, ít phải suy nghĩ hơn…Văn hóa đọc vì thế dần trở nên yếu thế.
Đọc một tác phẩm trở thành một việc làm mất thời gian, khô khan khi so sánh với việc xem trực tiếp tác phẩm đó qua phim ảnh, truyền hình.

Không thể phủ nhận việc các phương tiện nghe nhìn có ưu thế hơn so với sách. Trong sự cạnh tranh giữa các kênh truyền hình, ngày càng có nhiều những chương trình truyền hình thực tế, phim ảnh, thời trang, ca nhạc… được phát sóng cả ngày lẫn đêm. Đó là chưa kể đến sự phát triển trong việc hợp tác với nước ngoài, các kênh truyền hình của quốc tế cũng được phát sóng tại Việt Nam với rất nhiều phim và chương trình hấp dẫn có phụ đề cho người Việt. Nếu như trước kia, đọc sách là một thú vui, một sự giải trí thì nay thú vui này được các phương tiện nghe nhìn thay thế. Ngoại trừ các nhà nghiên cứu, khoa học, lịch sử, nhà văn, nhà báo…đọc sách là một công việc, một nhu cầu tất yếu thì số còn lại có xu hướng giải trí bằng nghe nhìn. Đã có rất nhiều ý kiến lo ngại về việc văn hóa đọc sẽ mất trong xã hội phát triển, chẳng cứ ở Việt nam mà trên toàn thế giới đều lo ngại nguy cơ con người đang lạm dụng các phương tiện nghe nhìn và trở nên lười suy nghĩ, lười động não…vậy nhưng văn hóa nghe nhìn vẫn cứ ngày càng trở nên phổ cập và hấp dẫn hơn. 
Sự xuất hiện của trò chơi điện tử, các trung tâm giải trí với nhiều thể loại trò chơi hiện đại cũng là một phần lấn át văn hóa đọc trong giởi trẻ.

Sự lấn áp văn hóa đọc càng trở nên nghiêm trọng hơn khi nó lan sâu vào công đồng trẻ - những người nắm giữ vận mênh, tương lai của đất nước. Nếu như trước kia, Dế mèn phiêu lưu ký của Tô Hoài, Cái Tết của Mèo con của Nguyễn Đình Thi, Đất rừng phương Nam của Đoàn Giỏi, Quê nội của Võ Quảng…là những món quà đắt giá mà đám trẻ con háo hức, mong ước được cha mẹ tặng mỗi khi được điểm cao, hay các dịp Lễ thì nay những món quà đám trẻ mong muốn là các trò chơi điện tử, những buổi đi chơi tại các công viên trò chơi hiện đại…Nếu như trước kia, muốn tìm hiểu các tác phẩm văn học kinh điển như: Hồng Lâu Mộng, Tây Du Ký, Tam Quốc diễn nghĩa, Chiến tranh và hòa bình, Những người khốn khổ…người ta phải đọc sách thì nay phim ảnh đã làm thay. Việc tiếp nhận thông tin qua phim vừa nhanh, vừa không phải suy nghĩ, lại sống động bởi âm thanh, hình ảnh thật…khiến cho thế hệ trẻ chẳng còn hứng thú với việc tìm hiểu văn hóa, lịch sử, tri thức qua đọc sách. 
Bên cạnh đó việc gia đình, nhà trường không định hướng văn hóa đọc và thời gian học tập quá dày đặc khiến việc đọc sách cũng trở nên vô cùng khó..

Nhưng ngoài việc “đổ lỗi” cho các phương tiện nghe nhìn chúng ta cũng cần nhìn nhận một thực tế nữa đó là lớp trẻ hiện nay không được dạy văn hóa đọc. Cùng với gia đình, giáo viên chính là đối tượng có ảnh hưởng rất lớn tới  văn hóa đọc của con trẻ. Tuy nhiên, theo như thực tế hiện nay thì cả hai đối tượng là gia đình và nhà trường ( giáo viên) đều đang ngày càng lười đọc sách. Điều này dẫn đến một hệ quả tất yếu là trẻ em sẽ theo những người đi trước chúng. Theo một cuộc điều tra gần đây của ngành giáo dục có trên 80% giáo viên không còn đọc sách thiếu nhi bởi họ đã trở thành người lớn. Vì thế giáo viên cũng không biết được học sinh của mình đang đọc những gì và cần bổ sung hay hạn chế những gì. Có tới 72% giáo viên tiểu học và THCS thừa nhận rằng họ không gợi ý được cho học sinh của mình nên đọc sách gì ngoài những sách học trong chương trình nhà trường. Có 79% phụ huynh không cùng con đọc sách, 86% phụ huynh không hề đọc một tác phẩm văn học thiếu nhi nào kể cả họ có con trong lứa tuổi thiếu nhi. Từ kết quả điêu tra trên có thể thấy trẻ em không có một định hướng cho việc đọc sách. Các em không biết cần đọc cái gì, cái gì đúng, cái gì sai và cũng không nhận thức được tầm quan trọng của việc đọc khi mà những người đi trước các em hàng ngày chỉ giải chí bằng cách nghe, nhìn.
Thêm vào đó, trẻ em nói riêng và lớp trẻ hiện nay có quá ít thời gian để đọc sách. Chúng ta cũng cần nhìn nhận vấn đề này một cách nghiêm túc chứ không nên chỉ kết tội giới trẻ lười đọc.  Dưới sức ép của gia đình, của cuộc sống phát triển, ngoại trừ việc học trên lớp, các em từ cấp 1 đến cấp 3 còn phải theo học đủ các lớp học phụ đạo. Các em oằn mình với chồng sách vở cao như núi từ trường tới lớp học thêm ngày này qua tháng khác. Có nhiều gia đình với mong muốn con em mình có thể tài giỏi, thành công còn bắt các em học cả những môn học bổ trợ kiến thức khác. Các em không có mấy thời gian để nghỉ ngơi, vui chơi thì còn tha thiết gì việc đọc sách. 
Nói như vậy, không có nghĩa là văn hóa đọc sẽ không thể phát triển trong xã hội hiện đại bởi đọc sách vẫn luôn được coi trọng. Đọc sách là một cách thưởng thức văn hóa có chiều sâu, là phương cách tốt nhất để làm giàu vốn từ vựng, ngôn ngữ của mỗi con người. Khi đọc sách, con người phải vận dụng nhiều trí tưởng tượng, sự suy nghĩ, rồi đến tìm tòi, tra cứu…những điều này là cơ sở hữu ích cho việc nâng cao tri thức, hiểu biết, tạo nền tảng vững chắc cho toàn bộ hệ thống kiến thức của mỗi cá nhân. Trong xã hội hiện đại, văn hóa đọc sẽ vẫn phát triển nếu chúng ta có cách tiếp cận đúng đắn, để sách trở nên gần gũi và dễ đọc, dễ tìm hơn với người đọc. 
Nguyễn Hương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét