10/17/2013

Yersin tiên đoán:…Tướng Giáp sẽ tới Đà Lạt


Vào giữa những năm ba mươi của thế kỷ trước, tức ba năm sau vụ một người Nga có tên là Pavel Gorguloff ám sát Toàn quyền Doumer (lúc này là Tổng thống) thì Yersin vẫn sống tại Đà Lạt.

Ven bờ Hồ Xuân Hương, là những biệt thự kiểu vùng Normandie và Biarritz. Những nhà gỗ kiểu vùng Savoie nằm trên các quả đồi. Những khóm hoa agapanth, sen cạn, cẩm tú cầu giống như ở vùng Dinard (thành phố 10.000 dân, là khu nghỉ mát, sòng bạc - N.D).Một tuyến đường tàu hỏa chạy bằng bánh răng cưa trườn lên cao nguyên vốn xưa kia chưa được khai phá; phục vụ cho một nhà ga, giống như ga Pointe-Noire ở Công gô, là phiên bản của ga ở Deaurille. Viện Pasteur quản lý luôn cả bệnh viện. Người ta khánh thành một tu viện nơi mà các nữ tu sĩ sẽ hát Kinh mai và Tụng ca, đó là Couvent des Oiseaux, cũng còn gọi là Trường Trung học cho hàng trăm học trò mà Yersin, người khám phá cao nguyên, chấp thuận việc đặt tên ông cho trường.
Người Tây Nguyên - Ảnh Yersin chụp
Người Tây Nguyên - Ảnh Yersin chụp

Một buổi chiêu đãi đã được ngài Toàn quyền mới sang, tổ chức dưới những lớp trát trần nhà Dinh Langbian (Khách sạn Palace - N.D), ở giữa vườn hoa trồng toàn thông, tùng, bách tán, thoai thoải sườn dốc về phía hồ. Hoàng đế Bảo Đại, sở hữu một Dinh thự mùa hè ở ngay kề liền đó, đã nghỉ lại ở Palace chốc lát khi không sang Monaco chơi Casino. Hoàng đế đã tận dụng buổi chiêu đãi để ban tặng cho Yersin “Nhất phẩm Nam Việt Long Bội Tinh”.

Ngồi ở bàn tròn đánh ver-ni bóng lộn, được đặt trước thư viện của khách sạn, phía đối diện với các hàng cột bằng đá hoa cương, Bóng Ma của Tương Lai lắng nghe bài diễn văn của Hoàng đế vô - tích - sự; bận y phục màu trắng, mang đôi giày ma-cô hai màu. Ngọn lửa cháy rực trong lò sưởi. Những tấm thảm, những đồ trang trí sơn son thếp vàng, những trướng rủ màn chùng, các bình sứ Trung hoa: tất cả đều được phô bày. Đoàn tàu chạy bằng bánh răng cưa đưa đoàn đại biểu chính thức, các nhà báo, từ miền duyên hải lên đây, trong số họ, len lỏi Bóng Ma của Tương Lai đi vi hành.

Lúc người ta khánh thành Trường Trung học Yersin Đà Lạt vào năm 1935, thì Yersin đã 72 tuổi. Người ta đã thấy và mời cùng dự có những người Thượng nổi tiếng qua cuộc thám hiểm của ông. Ở đây, chỉ có cỏ xanh và các con mồi. Yersin xúng xính trong bộ y phục đen của mình mà một chiếc băng chéo màu đỏ và vàng của “Nam Việt Long Bội Tinh” vắt ngang. Cũng hơi phiền phức vì chẳng thể giãi bày tâm can trước Bảo Đại và nhà chức trách Pháp, những người Nam đang phỉnh nịnh ông. Trước hết, ông thích cao nguyên hơn. Những thảm cỏ xanh rập rờn. Ông nuối tiếc chút ít vì đã khám phá ra miền đất cao nguyên này, hoặc đã xác định vị trí vùng này cho anh bạn Doumer (người đã khai thác thuộc địa không thương tiếc mảnh đất này - N.D). Cao nguyên này phải thuộc về những người dân.

Ông đọc diễn văn đáp từ, cảm tạ viên Toàn quyền và Hoàng đế mà trong chỗ riêng tư vẫn nghĩ tới. Yersin là như vậy đó, ông ca tụng thành tựu khi ông là người khơi mào. Theo năm tháng, nỗi nhớ quê hương như xâm chiếm trái tim ông. Dưới những chiếc đèn chùm bằng pha-lê, treo gần phía chiếc dương cầm, ông bạn già nua choàng chiếc băng màu đỏ và vàng vắt chéo qua người, đưa mắt lơ đễnh nhìn mặt nước hồ xanh trong. Ánh mắt thoáng qua của người miền Morges (thành phố 13 ngàn dân, thuộc tổng Vaud, bên hồ Leman - N.D) và về Nhà An dưỡng. Ông gặp lại Doumer một kẻ đã hết thời về chính trị. Và giữa những năm ba mươi này, châu Âu lại một lần nữa tiến gần tới bờ vực chiến tranh Thế giới Thứ hai. Còn ở đây, người ta giả bộ như không biết đến nó. Người ta vỗ tay, nâng ly sâm-banh trong quang cảnh bình thản và trang hoàng của rừng thông. Ông đã viết về những điều này cho Calmette (Nhà vi trùng học Pháp - N.D): “Tôi thấy Đà Lạt đang chuyển mình và có thể sẽ trở thành một thành phố của giới thượng lưu. Anh đã biết đến tôi khá rõ để có thể ngờ vực rằng những sự cải thiện này, vả lại rất là cần thiết, không làm tôi thích thú”. Vì ông ưa thích phong cảnh của Dankia hơn. Đó là một làng của người Thượng, cách đây hàng chục kilomet, “với những gò đồi trần trụi đã được phủ xanh cỏ non, với những cánh rừng chạy tít tắp tới chân trời; trên những đỉnh đồi cao nhất, khung cảnh này gợi nhớ về miền quê của những cánh đồng cỏ núi Alpes và Juras”. Yersin bất giác chợt liên tưởng về chuyến thám hiểm đầu tiên của mình vượt cao nguyên Langbian hoang mạc, những thảm cỏ xanh cao và hoang dã như trong giấc chiêm bao. Lúc ấy, ông chưa đầy ba mươi tuổi. Và, rút cục, nếu mình mà chết vào lúc đó, thì Yersin, chính ông đã không thể viết ra những dòng Thiên khải, và nếu mình chết khi đó dưới những nhát dao của toán cướp Thouk, thì cuộc đời ông sẽ kết thúc ở đây, trong lịch sử của nền y học và địa lý: đã khám phá được độc tố bệnh bạch hầu, được thí nghiệm trên thỏ, một bệnh lao thực nghiệm; đã tìm ra đường đi từ nước Nam sang Căm pu chia và đã, khám phá ra một nơi xinh xắn này để xây cất nên một thành phố suối nước kiểu Thụy Sĩ ở châu Á.

Bóng Ma của Tương Lai, viên thư lại viết trên sổ tay làm bằng da chuột thuộc - từng theo Yersin từ Morges, xuống Zur Sonne ở Marburg, ở Lutetia ở Paris, ở Cung điện Hoàng gia ở Phnom pênh, ở khách sạn Majestic tại Sài Gòn, và hiện có mặt tại Palace ở Đà Lạt - rất thú vị khi theo sát con người này.

Những công sở khá đồ sộ. Chiều hôm ấy, ông thả bộ ven hồ. Từ những năm ba mươi, đã nổi lên từ con số không ở miền cao nguyên xanh thẳm cả một thành phố. Từ đó, Đà Lạt đã thay người lãnh đạo và cư dân, nhưng trang hoàng vẫn như xưa. Giống một Bagnoles-de-l’Orne ở xứ Normandie hay, Cambo-les-Bains ở Basques. Nơi đây, ba mươi năm xảy ra cuộc chiến tranh Việt Nam đã trôi qua như nước chảy đầu vịt; xa lánh các cuộc khói lửa binh biến. Viên thư lại viết tới điều này trong cuốn sổ tay đặt trên chiếc bàn gỗ đánh ver-ni bóng loáng, giữa các nhà báo đến từ Hà Nội và Sài Gòn bằng tàu hỏa để dự vào buổi lễ khánh thành Trường Trung học. Người ta không nhận ra ông. Tưởng đâu ông là phóng viên đặc biệt của tờ Paris-Soir. Người ta hỏi ông tin tức từ chính quốc. Về Jean Gabin hay Arlettez. Và liệu Mặt trận Bình dân sẽ có giành được chiến thắng vào năm sau không. Ông đã lẩn tránh.

Bóng Ma của Tương lai không phạm bất kỳ sai sót nào. Y phục của ông khá là không lệ thuộc vào mốt. Quần dài, vải toile và áo sơ mi trắng, cà vạt xanh da trời, giày kiểu Anh quốc bằng loại da thuộc rất tốt. Ông ấy nắm sát tin tức thời sự như thể đã đọc ở kho Lưu trữ những tờ báo nóng hổi. Ông ấy biết cả những tiến bộ khoa học và kỹ thuật; dùng một thứ tiếng Pháp chuẩn, không hề xài từ mới. Dẫu sao, ông cũng sẵn sàng rút ra gói Marlboro có lọc, nhưng ông biết rằng mác thuốc còn chưa xuất hiện. Hoặc giả, do quá tin tưởng hay quá chén, mà ông đã quên khuấy mất việc ngừng nói điện thoại và giao lưu tiếp.

Ngay lập tức, đám người tụ tập xung quanh chiếc ghế đẩu ông ngồi bên quầy ba, nổi loạn. Người ta liền gọi cảnh sát đến. Người ta cáo buộc ông làm gián điệp cho Đảng Cộng sản Đông Dương, được Hồ Chí Minh thành lập năm năm trước. Đội Ngự lâm quân tiến sát tới Hoàng đế, tay sai của Chủ nghĩa đế quốc, rồi vây lấy Yersin. Người ta đã quên khuấy đi đó là nhà thám hiểm, và quên cả dải băng cuốn chéo người ông. Tại sở cảnh sát, lại còn tệ hơn, Bóng Ma của Tương lai thú tội, giải thích, lúng túng ấp úng, ông tiên tri rằng Thế chiến Thứ hai sẽ xảy ra trong bốn năm tới. Ông cũng tiên đoán người Nhật sẽ tới. Người Pháp thì cấm trại. Tướng Giáp, đứng đầu quân Việt Minh sẽ cùng đoàn tùy tùng đến ngay tại khách sạn Palace này. Ông tiên đoán cả Điện Biên Phủ và cả thắng lợi chung cuộc của Hồ Chí Minh… chiến tranh Việt Nam và thất bại của người Mỹ. Người Nga sẽ đến mảnh đất này. Người ta vây ông lại, tiêm cho ông, trói lại, ông bạn ơi… ông bạn tử tế ơi… ông sẽ không về lại được Paris nữa đâu.
NGUYỄN TIẾN QUỲNH (Theo Peste & Cholera)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét