11/14/2013

Đà Lạt, không ở phố…

Kỷ niệm 120 năm Đà Lạt hình thành và phát triển
Cập nhật lúc 15:49, Thứ Tư, 13/11/2013 (GMT+7)
Đà Lạt đã bước qua tuổi 120. Từ rất lâu, người Pháp đã phác họa tương lai xứ sở này sẽ trở thành “thủ đô mùa hè” cho những ai muốn tận hưởng sự dịu ngọt, muốn thấy thời gian chầm chậm trôi… Thiên nhiên ban tặng cho Đà Lạt nhiều điều kỳ thú, khí hậu mát mẻ quanh năm, là vườn “bách thảo kỳ hoa”. Song, lần này đến Đà Lạt mà không ở phố, có thể là một trải nghiệm khác thường…
Đường về với buôn làng
Đường về với buôn làng
Từ nơi níu giữ thời gian… 
Giờ đây, khi đến Đà Lạt, du khách sẽ được nhiều cơ sở du lịch chào mời bằng chương trình “không ở phố”, rời xa nhịp điệu phố thị để tìm những khoảnh khắc bình yên, sâu lắng… Tìm về nơi chốn “níu giữ thời gian”.
Khi những buôn làng khác ở Tây Nguyên từng bao đời du canh, du cư thì người Churu buôn Krăng Gọ (xã Próh, huyện Ðơn Dương) chỉ ở dưới chân núi T’rôm Ụ. Ðất và nước thượng nguồn giúp những bàn tay tài hoa ở vùng quê này tạo ra một nghề thủ công truyền thống quý giá: nghề gốm (Gọ). Nhờ nghề làm gốm mà người dân ở đây có cuộc sống sung túc một thời. Krăng Gọ rộn rã từ buổi tinh sương đến tận cuối chiều nắng xế để có cái kòngọ nấu bồ kết cho phụ nữ gội đầu, có gọkrơ dùng để làm tô ăn cơm, rồi gọavú cho phụ nữ xuống sông lấy nước... Và hình ảnh đó sẽ được “tái hiện” vào một ngày có lữ khách dừng chân dưới chân núi T’rôm Ụ.
Chia tay với Krăng Gọ, cách đó không xa, du khách sẽ được tìm hiểu về ngọn nguồn văn hóa của chiếc nhẫn huyền thoại (Srí) của người Churu ở thôn Ha Wai, xã Tu Tra, huyện Đơn Dương. Nơi đó, hiện nay đang vẫn có một nghệ nhân người Churu còn níu giữ nghề gia truyền. Vừa được cùng với nghệ nhân “thổi bếp, quạt lò”, du khách sẽ được nghe giọng già làng tỉ tê: Theo quan niệm của người Churu, srí là vật thiêng liêng biểu hiện cho tình yêu nam nữ. Khi trai gái đã trao nhẫn đính ước cho nhau thì không bao giờ nghĩ đến việc ly hôn.
Được quay về với thời gian huyền thoại của nghề làm Gọ, Srí, trong hành trình gõ nhịp thời gian, khi mặt trời đã vắt qua lưng đỉnh núi, chỉ nghe tiếng tỉ tê của dòng suối Khóc, du khách sẽ được nghe điệu rơkel buông lơi giữa buôn làng Diom A, Lạc Xuân, Đơn Dương “gọi nhau về bên ché rượu cần...”, được chếnh choáng, ngất ngây trong men rừng và cùng sơn nữ hòa nhịp tamya.
Trở lại chân núi LangBiang huyền thoại (xã Lát, huyện Lạc Dương), cách Đà Lạt chừng 15km, nơi có làng dệt thổ cẩm nổi tiếng B’Nơh C của người Cil hình thành từ bao đời nay. Ở đây, từ khi còn trong bụng mẹ thì con gái phải học cái nghề dệt rồi. Nhưng, có lẽ từ lâu, những khung dệt truyền thống gần như đã bị lãng quên.
Trong hành trình của riêng mình, tôi đã gặp nhiều nghệ nhân còn đau đáu níu giữ nghề. Bà Ma Wêi (65 tuổi, buôn Krăng Gọ), người có hơn 50 năm gắn bó với nghề gốm cho biết: Thỉnh thoảng, cũng có vài người khách nước ngoài đến nhà mình, họ thích tìm hiểu nghề này lắm. Nhưng họ đến không nhiều đâu. Còn bà Ha Boong (70 tuổi, buôn B’Nơh C), người lành nghề dệt thổ cẩm nhất vùng này thổ lộ: Cái hoa văn trên thổ cẩm truyền thống của người Cil độc đáo lắm, nhưng nhiều người không sống được với nghề. 
Còn nhiều, nhiều lắm những nghệ nhân yêu cái nghề truyền thống của cha ông mình. Và biết đâu một mai thức dậy, họ được đón nhận niềm vui, khi có những lữ khách tìm về với làng nghề, “sống” cùng với sản phẩm của họ. 
…Đến không gian đời thường
Cuộc sống là một bản nhạc, có khi là một bản rock cuộn sôi, có khi là một khúc ballad chậm rãi. Nếu đến Đà Lạt chỉ để cuộn mình trong chăn, nhâm nhi tách cà phê đen như địa ngục và ngọt ngào như tình yêu lúc buổi sáng sương tan, hay khoảnh khắc “bấm máy” khi hoàng hôn phủ bóng bên hồ… thì thật hoang phí. Nhiều du khách khi trở về với Đà Lạt đều thoáng nghĩ như vậy. Và họ bắt đầu đi tìm sự chấm phá, trải nghiệm yên bình trong những cánh rừng thông, được nhóm bếp lửa bên nhà sàn, được tham gia canh tác ở những làng hoa truyền thống và được in dấu chân trên những con đường đất đỏ bazan… 
Đang tìm cách để vượt qua chiếc cầu treo lắt lẻo bắc qua con suối lớn ở xã Xuân Thọ, Đà Lạt; phía bên kia, những vị khách nước ngoài đã sẵn sàng bấm máy. Anh Anderson (người Mỹ) nói: Chúng tôi rất thích đồng quê của các bạn, chuyến đi này là tìm về với buôn làng ở dưới thung lũng này. Đi bộ cả ngày trong rừng đấy! Anh Công, hướng dẫn viên du lịch cho hay: Khách nước ngoài và khách đã từng đến Đà Lạt họ rất thích tour về với đời thường, với cái lý của họ… đó chính là “cội nguồn” văn hóa.
Với hành trình này, du khách sẽ được “tự nhiên như người nhà”, khi được tự mình thu hoạch những trái cà phê vào mùa chín mọng, được kéo tơ dệt lụa, được chắt chiu những giọt rượu gạo thơm nồng, hay được làm “những chàng trai, cô gái chân trần” trong những nếp nhà sàn truyền thống…
Già làng K’Plin (buôn Đăng Ya, Lạc Dương), người “sành” nhiều thứ tiếng và đã từng có một thời gian sống ở châu Âu cho hay: Không những khách Tây mà những người Việt Nam ở mọi miền đều thích đến cái buôn làng của mình. Họ muốn biết cái sinh hoạt hàng ngày của đồng bào. Nhưng buồn thay, chỉ là những vị khách theo tour lẻ thôi à.
Cách Đà Lạt chừng 20km, cắt ngang qua làng hoa Vạn Thành, du khách tìm về với chốn quê ở xã Mê Linh, Lâm Hà để được tự mình nuôi dế, nấu rượu. Thương hiệu “Huy dế” được nhiều khách trong và ngoài nước biết đến, khi bình quân mỗi ngày có khoảng ba bốn chục du khách đến tham quan trại dế Thiện An của chàng trai nhà quê Nguyễn Quang Huy. Cách trại dế Thiện An không xa là lò nấu rượu gạo Kiết Tường. Ông Nguyễn Văn Lộc, chủ cơ sở kể: Gia đình tôi sinh sống bằng việc làm cà phê và nấu rượu cả mấy chục năm nay. Vào năm 2005, tình cờ mấy anh hướng dẫn viên chở khách Tây qua đoạn đường này, thấy ống khói nấu rượu của gia đình nên đưa khách vào tham quan, từ đó đến nay nhà tôi luôn có khách… 
Đà Lạt, thành phố hoa. Bởi đến Đà Lạt vào thời khắc nào bạn cũng sẽ được chiêm ngưỡng hoa và hoa: Hoa trong phố, hoa trên đồi, hoa trong nhà… và hoa trên lưng gùi sơn nữ. Nhưng, du khách lại thích đến “nơi sinh” ra hoa để được làm nông dân, dù chỉ một khoảnh khắc. 
Từ những năm 60 của thế kỷ trước, hoa Đà Lạt từ các làng hoa lâu đời như Hà Đông, Thái Phiên, Vạn Thành bước ra thị trường và trở thành thương hiệu nổi tiếng trong cả nước. Giờ đây, những làng hoa ấy không chỉ là nơi sản xuất, canh tác hoa, mà đã trở thành những điểm đến hấp dẫn trong không gian đời thường.
“Những nơi này rất thú vị trên hành trình khám phá vùng đất Tây Nguyên của chúng tôi. Sẽ rất buồn tẻ nếu chỉ là đi ra đi vào khách sạn, nhà hàng và rong chơi ở thành phố”. - De Niro, vị khách người Ý cho biết.
Nghề ươm tơ dệt lụa (ở Nam Ban, Lâm Hà) hấp dẫn du khách nước ngoài
Nghề ươm tơ dệt lụa (ở Nam Ban, Lâm Hà) hấp dẫn du khách nước ngoài
Khai phá…
Chuẩn bị Năm Du lịch Quốc gia Tây Nguyên - Đà Lạt 2014, nhiều ý kiến cho rằng: Ở vùng đất Tây Nguyên hùng vĩ này đang tồn tại một mâu thuẫn, bởi tiềm năng phát triển du lịch quá lớn, nhưng lại là “vùng trũng” trong các vùng du lịch của Việt Nam. 
Hiện tại, trên địa bàn Lâm Đồng đã có một số cơ sở du lịch khai thác yếu tố văn hóa các dân tộc người bản địa vào kinh doanh du lịch. Tuy nhiên, việc khai thác chỉ mới dừng lại ở “tín hiệu”, chứ chưa khoan được vào “lõi” độc đáo và “đặc hữu” văn hóa. Khám phá văn hóa bản địa luôn là điều du khách muốn tìm đến. Đó cũng là yếu tố giúp các làng nghề đang “vật vã tồn tại” có thể được bảo tồn và phát triển. Đồng thời, mở ra một hướng mới cho ngành du lịch trong hành trình khám phá nét đẹp vùng cao.
Chiều nay tôi trở về Đà Lạt, chọn một quán cà phê tĩnh lặng để ngắm thành phố thư thái chuyển mùa và hồi niệm về không gian văn hóa đời thường…
MAI VĂN BẢO

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét