12/16/2013

Nhặt quả thông rơi làm hàng mỹ nghệ

Người đàn bà đã đi qua nhiều năm của “vòng giáp cuộc đời” vẫn lặng lẽ nhặt những quả thông rơi làm hàng mỹ nghệ của Đà Lạt. Sản phẩm lưu niệm của bà được du khách trong và ngoài nước ưa chuộng tìm mua…
Bà an cư trong một căn nhà khoáng đạt ánh nhìn trên đường Đặng Thái Thân, Đà Lạt. Đã hơn 40 năm làm công dân Đà Lạt nơi góc phố này, ngày lại ngày qua những ô cửa sổ ngập đầy mưa với nắng, những hàng thông xanh phía sau nhà đã cho bà những cảm nhận, những ý tưởng thật đặc biệt: “Hóa thân mới cho quả thông rơi!”.
Tác giả với tác phẩm chim hoang dã “hóa thân” từ quả thông khô Đà Lạt
Tác giả với tác phẩm chim hoang dã “hóa thân” từ quả thông khô Đà Lạt
Bà tự sự: “Tôi sinh ra ở tỉnh đồng bằng miền Trung. Lập gia đình rồi lên định cư ở phố núi Đà Lạt, từ thời còn tuổi trẻ cho đến bây giờ tuổi đã “sáu ba”, tôi rất luôn yêu quý sự sống của cây thông Đà Lạt…”. Mới hay, bà là “dân văn khoa” Sài Gòn gắn với năng khiếu bẩm sinh về hội họa và tạo hình để sáng tác thành những tác phẩm lấy từ cảm hứng thiên nhiên. Theo bà, cây thông là nét đẹp “phần hồn” của Đà Lạt, giống như cây tre ở vùng quê đồng bằng. Bởi vậy, mỗi lần nghe thông tin một cây thông ngã đổ vì thiên tai, bà lại chép miệng tiêng tiếc một mình; còn khi nghe những hàng thông bị lâm tặc chặt hạ ngổn ngang thì khỏi phải nói, bà đã một mình xót xa như thế nào... 
Mong muốn làm công việc mà mình yêu thích để góp tiếng nói phát đi thông điệp bảo vệ, tôn tạo môi trường, giữ gìn giá trị cả về vật chất và tinh thần đối với cây thông xanh Đà Lạt, bà âm thầm một mình đi gom nhặt những quả thông khô rơi rụng cùng với những vỏ cây, ngọn lá của thông rồi về nhà kết lại thành những bức tranh, những sản phẩm mỹ nghệ đặc trưng nghệ thuật hội họa của mình. Sản phẩm “bình hoa hồng” gồm 2 đóa hoa là một trong những sản phẩm mỹ nghệ sáng tạo đầu tiên của bà từ chất liệu quả thông khô nhặt dưới rừng thông đèo Prenn, Đà Lạt của bà chỉ sau mấy ngày “chào đời” thì bất ngờ gặp khách du lịch từ phương Nam lên tha thiết xin được mua về làm kỷ niệm cho chuyến đi. Ấy là khách “nam thanh, nữ tú” mua bông hồng được “hóa thân” từ quả thông khô Đà Lạt để tặng người mình yêu, mong ước gửi gắm trong đó một tình yêu đôi lứa mãi mãi vững bền. 
Đầu những năm “hai ngàn”, bà sáng tạo khá đa dạng các mặt hàng mỹ nghệ từ quả thông khô đưa ra bày bán tại Khu Du lịch hồ Tuyền Lâm, Đà Lạt. Đó là hình hoa trái Đà Lạt; hình các loài chim hoang dã, chim hạt trong đời sống tâm linh; hình phong cảnh Đà Lạt… đã cuốn hút khách mua và thưởng lãm. Nhiều người đến xin học nghề, bà cười ý nhị: “Ở nhà đã có 5 người thợ nữ khuyết tật thường xuyên làm nghề giúp tôi cũng tạm ổn định rồi…”. Năm 2004, bà gửi 2 tác phẩm mỹ nghệ từ quả thông khô đi dự thi chủ đề “Sản phẩm công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp phục vụ du lịch” toàn tỉnh Lâm Đồng. Kết quả cả 2 tác phẩm đều đoạt giải: Tác phẩm “Bình hoa hồng” đoạt giải Nhất và tác phẩm “Chim hạc” đoạt giải Nhì. 
Nhiều năm sau đó, bà cũng “may mắn” (lời bà nói) đạt thêm nhiều giải thưởng sáng tạo về các mặt hàng thủ công mỹ nghệ cấp thành phố Đà Lạt, cấp tỉnh Lâm Đồng. Rồi khách du lịch trong và ngoài nước đặt hàng, khích lệ bà miệt mài quanh năm cho ra đời thêm nhiều tác phẩm mỹ nghệ quả thông độc đáo hơn như: vũ công của chim phượng, sải cánh của chim đại bàng, những đóa hoa bất tử Đà Lạt… Thành công nhất của bà là trong dịp kỷ niệm Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10/2013, bà được mời tham gia triển lãm 10 tác phẩm mỹ nghệ quả thông khô Đà Lạt tại Hà Nội với chủ đề “Phụ nữ sáng tạo Việt Nam”. Tất cả chi phí đi lại bằng máy bay, lưu trú và tiêu dùng trong 4 ngày ở Hà Nội của bà đều được Ban Tổ chức đài thọ trọn gói.
Trong năm mới 2014 chắc sẽ có nhiều tác phẩm “thông khô mới” chưa “bật mí”? Tôi hỏi. Bà bày tỏ thật lòng: “Vẫn tiếp tục hoàn thành các tác phẩm hoa và chim trời cho khách du lịch trong và ngoài nước điện thoại đặt hàng. Nhưng nếu trời cho còn đủ sức khỏe và thời gian, tôi sẽ cố gắng ghép từng mảnh quả thông khô kết thành một bức tranh Nhà hàng Thủy Tạ nổi trên mặt hồ Xuân Hương, Đà Lạt để mừng Đà Lạt 120 năm tuổi…”. Vâng, bà là Phan Thị Thu Thủy, một nghệ nhân không trưng bảng hiệu cơ sở sản xuất trong căn nhà riêng tại số 19, đường Đặng Thái Thân, Đà Lạt.
VĂN VIỆT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét