Cứ cuối tuần, ngôi nhà của anh Nguyễn Văn Quân tại thôn An Phú, xã Quỳnh Hải (Quỳnh Phụ, Thái Bình) lại tấp nập. Bên cạnh cửa hàng thuốc Đông y, đây còn có thư viện phục vụ miễn phí người dân địa phương.
Thư viện sách của anh Quân được những độc giả thân thiết gọi bằng cái tên Không gian đọc An Phú. Thư viện mở cửa tất cả ngày trong tuần, cuối tuần là thời điểm đông người đọc nhất. Đến đây, bạn đọc có thể đọc sách với bàn ghế đầy đủ trong phòng hay ngồi trên ghế đá dưới những tán cây. Bạn đọc làm thẻ để mượn sách theo quy định.
Không gian đọc An Phú hoạt động theo mô hình tự nguyện tự quản, bạn đọc cắt cử nhau thay phiên trực: quét dọn, ghi sổ, nấu nước pha trà. Kể cả khi vợ chồng anh Quân có việc phải đi vắng thì thư viện vẫn mở cửa. Không gian đọc An Phú từng được nhận bằng khen Thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng xuất sắc nhất 2009-2013 của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch.
Độc giả nhỏ tuổi ở Không gian đọc An Phú. Ảnh: Không gian đọc
|
Không gian đọc An Phú là địa điểm đầu tiên trong chuỗi thư viện mở tại nhà dân để phục vụ miễn phí cho cộng đồng với cái tên gọi chung Không gian đọc. Hệ thống này do Trần Thiện Tùng, một người con của Quỳnh Phụ đang sống và làm việc tại TP HCM sáng lập.
Sinh ra và lớn lên tại vùng quê thuần nông, Thiện Tùng hiểu rất rõ thiệt thòi của người dân quê khi ít có điều kiện đọc sách. Cả huyện chỉ có một thư viện huyện đặt ở thị trấn, một vài hiệu sách chủ yếu bán sách giáo khoa. Nếu muốn mua những cuốn sách hay, người dân phải lặn lội lên tận thành phố. Các xã cũng có những điểm Bưu điện văn hóa xã, mở cửa cho người dân đọc báo, nhưng thường chỉ trong giờ hành chính và số báo không nhiều nên không thu hút được người đọc.
Sau thời gian ấp ủ, đến tháng 4/2008, với sự giúp đỡ của vợ chồng người bạn thân Nguyễn Văn Quân và Kiều Bạch Tuyết, Thiện Tùng đã mở cửa Không gian đọc đầu tiên tại chính quê mình. Ban đầu, Tùng và vợ chồng anh Quân tự bỏ sách của mình hay đi quyên góp sách cũ từ bạn bè, người quen. Đến bây giờ, nhờ hoạt động hiệu quả mà Không gian đọc đã thu hút được nhiều cá nhân, các công ty, nhà sách sẵn sàng tặng sách hoặc bán giảm giá.
Từ một phòng đọc chỉ rộng chừng vài mét vuông với vài chục đầu sách báo, hiện nay Không gian đọc An Phú đã có hơn 2.000 cuốn phục vụ bạn đọc địa phương. Trong số độc giả, 80% là học sinh. Đến đây, các em tuyệt đối không được chửi thề, nói bậy, được dặn dò phải biết làm việc nhà đỡ đần cha mẹ. Thiện Tùng cho biết, ở quê anh vẫn còn thành kiến “trẻ đọc bất kỳ những sách gì không phải sách giáo khoa đều bị mắng là lười biếng, vớ vẩn”. Tuy nhiên, sau khi nhìn thấy sự tiến bộ của con trẻ qua những lần đến Không gian đọc An Phú đọc sách như giảm thời gian ngồi ở quán Internet, về nhà lễ phép hơn, phụ huynh bắt đầu khuyến khích bọn trẻ đến đọc, và chính họ cũng đến đọc sách theo.
Trần Thiện Tùng (áo trắng) tặng sách cho một thư viện cá nhân. Ảnh: Không gian đọc
|
Là một trong những bạn đọc đầu tiên của Không gian đọc An Phú, từng tham gia tự quản thư viện, Nguyễn Thị Vân, sinh viên năm thứ tư ĐH Luật (Hà Nội) cho biết, những cuốn sách ở đây có ảnh hưởng rất lớn đến việc chọn nghề của mình. Trong thời gian buồn phiền vì thi trượt ĐH Y, Vân thường xuyên đến đây đọc những cuốn sách về lịch sử và danh nhân. Được vợ chồng anh Quân tác động, Vân nhận thấy mình có khả năng và ham thích ngành luật, em đã quyết định theo đuổi ngành học này. Giờ đây, mỗi lần về quê, Vân vẫn thích ghé qua Không gian đọc An Phú đọc sách.
Bà Vũ Thị Nga (hơn 70 tuổi) là cán bộ bưu điện về hưu, được cháu cho biết có thư viện miễn phí cách nhà 15 km, bà đã đến xem và rất bất ngờ. Từ đó, bà thường đạp xe tới đọc sách ở An Phú. Hiện ngôi nhà của bà tại thôn Bương Hạ (xã Quỳnh Ngọc) cũng trở thành Không gian đọc phục vụ hàng trăm lượt bạn đọc đủ các thành phần. Sự ra đời của những Không gian đọc khác cũng như thế, đều bắt đầu từ tình yêu sách của chính những người “thủ thư”.
Theo Thiện Tùng, yếu tố làm nên sự thành công của Không gian đọc chính là sự quan tâm đến nhu cầu của bạn đọc và tình yêu sách cũng như sự thân thiện của người thủ thư. Ví dụ, nếu ở nơi nào độc giả chủ yếu là trẻ em, anh sẽ chú ý nhiều đến những cuốn sách dành cho thiếu nhi, truyện tranh, sách dạy nghề. Với nơi nhiều độc giả là giới trí thức, anh sẽ gửi đến những cuốn sách như Trăm năm cô đơn, hay Thế giới phẳng.
Hiện nay, hệ thống Không gian đọc đã phát triển tới 14 điểm, trong đó chủ yếu ở Quỳnh Phụ (Thái Bình), một điểm ở Củ Chi (TP HCM), một số điểm đang dự định mở ở Thái Nguyên. Ngoài ra, Thiện Tùng cũng tích cực tặng sách cho các thư viện của cá nhân, hợp tác với một bác sĩ đặt tủ sách ở một bệnh viện tại Hải Dương, hỗ trợ ĐH Phan Châu Trinh (Quảng Nam) khai trương Không gian đọc Hội An hôm 4/12 vừa qua.
Kim Anh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét