2/25/2014

Một số vấn đề về số hóa tài liệu




Đặt vấn đề: Hiện nay, trong xu thế phát triển để hội nhập, chúng ta đang phấn đấu chuyển dần từ thư viện truyền thống sang thư viện điện tử. Đây là một xu hướng tất yếu. Tuy nhiên, để xây dựng một thư viện điện tử theo đúng nghĩa cần có một số quan điểm thống nhất và lựa chọn những bước đi thích hợp, trong đó, cần tập trung quan tâm đến khâu số hóa tài liệu, bởi đây là khâu cơ bản nhất trong quá trình xây dựng một thư viện điện tử.
                                                    
    1. Một số khái niệm liên quan
    Số hoá tài liệu
    Thuật ngữ “số hoá” (tiếng Anh: Digitization) được sử dụng để chỉ quá trình chuyển đổi thông tin truyền thống sang thông tin số. Thông tin truyền thống bao gồm các dạng tài liệu, văn bản, tranh vẽ, bản đồ, băng hình, băng ghi âm… Kết quả của việc số hoá, tạo nên các tệp dữ liệu (văn bản, ảnh, bản đồ, âm thanh, đa phương tiện) được lưu trữ trên máy tính điện tử.
Bộ sưu tập số
Bộ sưu tập số bao gồm tập hợp các tài liệu được thu thập dưới nhiều dạng thức khác nhau gồm: văn bản, hình ảnh, các bản vẽ - thiết kế, âm thanh,…về một chủ đề xác định, được biểu diễn dưới dạng số có tổ chức theo một cấu trúc thống nhất để có thể truy cập, chia sẻ, khai thác trong môi trường điện tử.
Thư viện số
Thư viện số là tập hợp của các thiết bị và phần mềm để tổ chức, tạo lập, lưu trữ, khai thác, chia sẻ nguồn tài nguyên số hóa với sự hỗ trợ của các dịch vụ tự động thông qua công nghệ mạng.
  
    2. Quy trình thực hiện
    - Lựa chọn tài liệu
    Đối với mỗi thư viện, việc số hóa toàn bộ kho sách là điều khó có thể thực hiện, do đó, chúng ta cần đưa ra các tiêu chí làm căn cứ để lựa chọn tài liệu trong quá trình thực hiện số hóa. Trong đó, chú ý ưu tiên các tài liệu đặc thù của thư viện, các tài liệu duy nhất (không ở đâu có), độc bản, tài liệu quý hiếm, tài liệu có tần suất sử dụng cao và có giá trị lâu dài để trao đổi.
- Lựa chọn công nghệ:
+Lựa chọn máy scan:
    Hiện nay, trên thị trường có nhiều loại máy scan có thể sử dụng trong quá trình số hóa tài liệu từ công nghệ đơn giản đến công nghệ hiện đại.
    Đối với các thư viện có kinh phí hạn hẹp có thể sử dụng các máy scan với công suất nhỏ, thủ công, scan khổ A5, A4 như Hp scan 3670, máy scan Kodak, máy Hp scanjet G 3010, máy scan Canon Lide 210, ... rất phù hợp với scan tài liệu rời, tài liệu đóng gáy mỏng, tranh ảnh khổ nhỏ. Đối với các máy scan này, chúng ta cần có thêm các phần mềm khác để hỗ trợ quá trình xử lý như phần mềm nhận dạng, phần mềm chỉnh sửa ảnh, phần mềm chuyển PDF,...
Đối với các thư viện được sự đầu tư lớn về tài chính có thể tham khảo một trong những thiết bị hiện đại đang được các thư viện lớn quan tâm đó là: KIRTAS, TREVENTUS, BOOKEYE,...đối với các máy scan hiện đại này có thể sử dụng để scan tài liệu đóng gáy dày, báo, tạp chí, tài liệu khổ lớn, có chức năng lật dở tự động,... ngoài ra, còn có các phần mềm đi kèm hỗ trợ đắc lực trong quá trình xử lý hình ảnh, chuyển dạng, quản lí, ...
    +Lựa chọn phần mềm quản lí tài liệu số:
Hiện nay, có 2 xu hướng:
Một là, sử dụng các phần mềm mã nguồn mở: Hiện nay, phần mềm mã nguồn mở Greenstone, Dspace đang được nhiều thư viện vừa và nhỏ ở Việt Nam sử dụng để quản lí tài liệu số hóa.
Hai là, sử dụng các phần mềm bản quyền thương mại chuyên nghiệp của các nhà cung cấp trong nước như: Phần mềm thư viện số Ilib. Di của công ty CMC soft, phần mềm Libol (LIBrary OnLine) là phần mềm giải pháp Thư viện điện tử - Thư viện số của công ty Tinh Vân, Phần mềm Vebrary của công ty Lạc Việt, phần mềm Thư viện điện tử PSC của công ty PSC và  một số phần mềm của các công ty phần mềm.. hoặc các phần mềm chuyên nghiệp của các nhà cung cấp nước ngoài.
    - Quy trình số hóa
Bao gồm: Lập danh mục, duyệt danh mục, quyét tài liệu, xử lý hình ảnh, nhận dạng, chỉnh chính tả, giảm dung lượng, chuyển file PDF, biên mục (xử lý hình thức và nội dung), tạo liên kết file, đưa lên mạng để phục vụ, bảo quản.
    - Xây dựng cơ sở hạ tầng và công nghệ
Xây dựng hạ tầng mạng LAN, mạng Internet, hệ thống máy chủ, trang web, lựa chọn thiết bị scan, phần mềm quản lí tài liệu số, phần mềm bảo mật.
Trong quá trình xây dựng phải bảo đảm các yêu cầu sau:
Độ tin cậy, thuận tiện, dễ sử dụng, đáp ứng các yêu cầu về chuẩn nghiệp vụ thư viện, bảo mật, in ấn, chia sẻ, tích hợp, chuyển đổi, sao lưu, lưu thông dữ liệu.
    -Vấn đề bản quyền tài liệu số hóa
    Vấn đề bản quyền là vấn đề quan trọng đối với các thư viện hiện nay. Theo Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam, những tài liệu dưới đây không được bảo hộ bản quyền:
    - Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam 2005; Chương I, Mục 1, Điều 15 “Các đối tượng không thuộc phạm vi bảo hộ quyền tác giả:
    1. Tin tức thời sự thuần túy đưa tin
    2. Văn bản quy phạm pháp luật
    3. Văn bản thuộc các lĩnh vực tư pháp và bản dịch chính thức của văn bản đó
    3. Quy trình, hệ thống, phương pháp hoạt động, khái niệm, nguyên lí, số liệu
    - Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam 2005: Điều 25, khoản (a) (b) “...Tác phẩm không thuộc loại hình quy định tại điểm (a) khoản này có thời hạn bảo hộ là suốt cuộc đời tác giả và năm mươi năm tiếp theo năm tác giả chết; trong trường hợp tác phẩm có đồng tác giả thì thời hạn bảo hộ chấm dứt vào năm thứ năm mươi sau năm đồng tác giả cuối cùng chết”.
Việc số hóa tài liệu cho thư viện là không vi phạm bản quyền nếu: Tài liệu nằm ngoài bản quyền hoặc tài liệu được bảo hộ bản quyền nhưng số hóa để sử dụng với mục đích phi thương mại trong phạm vi hạn chế của thư viện, trường học, viện nghiên cứu.
Bản thân việc số hóa tài liệu không vi phạm bản quyền, việc vi phạm hay không phụ thuộc vào mục đích sử dụng (chẳng hạn dùng với mục đích thương mại làm ảnh hưởng đến lợi ích kinh tế của người nắm giữ bản quyền là vi phạm) và phạm vi sử dụng  (ví dụ nếu phổ biến rộng rãi ra công chúng, ngoài phạm vi thư viện là vi phạm).
    Việc downdoad, phát tán tài liệu số hiện nay đang rất phổ biến ở Việt Nam đang ảnh hưởng nghiêm trọng điến quyền lợi của tác giả và các nhà xuất bản mà Nhà nước cần có những quy chế quản lý, xử phạt để bảo hộ quyền lợi chính đáng của tác giả và nhà xuất bản.
Kết luận
    Để công tác số hóa tài liệu thực hiện một cách hiệu quả đòi hỏi cần có chiến lược số hóa tài liệu, cần có kế hoạch, chương trình cụ thể cho mỗi thời điểm, có sự đầu tư về tài chính, con người, thời gian. Sau mỗi thời gian nhất định, cần có sự kiểm tra, đánh giá, rút kinh nghiệm để kịp thời khắc phục những hạn chế, khó khăn trong quá trình thực hiện.

Đại úy, Thạc sỹ Trần Nữ Quế Phương

http://thuvienquandoi.vn/Tin-tuc/517/Mot-so-van-de-ve-so-hoa-tai-lieu.aspx

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét