Những điểm mới cơ bản ở Hiến pháp sửa đổi năm 2013
Cập nhật lúc 15:36, Thứ Tư, 19/03/2014 (GMT+7)
Trải qua một thời gian khá dài để lắng nghe sự tham gia góp ý của các tầng lớp nhân dân trong nước và Việt kiều yêu nước, đối với Hiến pháp mới sửa đổi năm 2013 (gọi tắt Hiến pháp 2013); mãi tới kỳ họp khóa XIII Quốc hội Nước CHXHCN Việt Nam mới nhất trí thông qua và có hiệu lực kể từ ngày 1-1-2014.
Qua nghiên cứu Hiến pháp sửa đổi, đối chiếu với các Hiến pháp trước đây và Hiến pháp năm 1992 thì Hiến pháp năm 2013 về bố cục, các chương, điều, khoản cơ bản vẫn giữ nguyên như Hiến pháp năm 1992. Tuy nhiên, Hiến pháp năm 2013, câu chữ và nội dung có gọn nhẹ, rõ ràng sâu sát với tình hình thực tế về chính trị, kinh tế của đất nước thời kỳ đổi mới.
So với Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp 2013 có 11 chương 120 điều, giảm 1 chương và 27 điều. Điểm sáng tạo nhất của Hiến pháp năm 2013 đã gộp hai chương I và II của Hiến pháp năm 1992 làm thành một chương (gọi là chương II) thể hiện được sự gắn kết giữa sự phát triển kinh tế - xã hội và những vấn đề khác của đất nước ta trước ngưỡng cửa hội nhập quốc tế.
Đặc biệt Hiến pháp năm 2013 có cấu trúc một chương mới hoàn toàn đó là chương X nói về “Hội đồng bầu cử Quốc gia và kiểm toán Nhà nước”.
Về lời nói đầu của bản Hiến pháp 2013, ngắn ngọn súc tích hơn lời nói đầu của Hiến pháp 1992, nhưng vẫn thể hiện được tính lịch sử của đất nước trải qua trên bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, ghi nhận được các cột mốc và thành quả cách mạng mà Đảng, Nhà nước, dân tộc ta đã giành được qua các thời đại. Thể chế hóa cương lĩnh của Đảng vào Hiến pháp, đồng thời vẫn mang tính kế thừa của các Hiến pháp trước đây; thể hiện được ý chí, nguyện vọng và tính quyết tâm của nhân dân ta, dân tộc ta trong việc xây dựng, bảo vệ và thực thi Hiến pháp mới với mục đích cao cả đó là “Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng và văn minh”.
Những điểm đổi mới cơ bản nhất của một số chương điều trong bản Hiến pháp năm 2013 như sau:
Về chế độ chính trị (chương I) cơ bản, vẫn giữ nguyên như Hiến pháp 1992, nhưng các điều, khoản ở chương này bố cục ngắn gọn hơn, gắn kết sâu sắc hơn, toàn diện hơn, biểu hiện mối quan hệ mật thiết giữa Đảng và các tầng lớp nhân dân và qui định rõ tổ chức Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật, phục vụ nhân dân, chịu trách nhiệm trước dân về những quyết định của mình. (Xem toàn văn Điều 4 Hiến pháp 2013).
Về tên gọi của Tổ quốc: Hiến pháp năm 2013 vẫn gọi nước ta là nước: Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Nhưng hoạt động của bộ máy Nhà nước được qui định chặt chẽ hơn, mở rộng đổi mới hơn Hiến pháp 1992.
Tiếp đến Hiến pháp năm 2013 coi con người là yếu tố thiêng liêng nhất, nên đã đưa lên chương II (Hiến pháp 1992 để ở chương V) và giành tới 36 điều (từ điều 14 đến điều 49) để tập trung qui định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân và coi đây là điểm cốt lõi của Hiến pháp sửa đổi năm 2013. Việc sửa đổi như vậy, cũng rất phù hợp với điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết với thế giới về quyền con người. Nó còn thể hiện rõ quan điểm của Nhà nước ta là tách bạch giữa quyền và nghĩa vụ của công dân, thể hiện Nhà nước ta là Nhà nước XHCN, Nhà nước Pháp quyền XHCN của nhân dân và tất cả vì dân… Chính vì sự trân trọng đó mà Hiến pháp năm 2013 chữ Nhân dân lần đầu tiên “được viết hoa”. Sở dĩ ở chương này có nhiều điều như vậy là do Hiến pháp muốn xác định xuyên suốt, chi tiết, rõ ràng để khi thực thi được dễ dàng và thuận lợi.
Tuy nhiên, Hiến pháp năm 2013 ghi nhận quyền con người, quyền công dân cũng có thể bị hạn chế trong những trường hợp cần thiết; đó là những công dân có những hành vi xâm phạm những khách thể được pháp luật cấm, bảo vệ và phải xử lý theo luật pháp Nhà nước đã qui định hiện hành.
Về nền kinh tế Nhà nước, Hiến pháp 2013 vẫn khẳng định: Nhà nước ta vẫn điều tiết sự phát triển kinh tế theo “nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Nhưng khẳng định rõ nền kinh tế nước ta đa thành phần và đều là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân”. Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế phát triển bền vững để góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh. Hiến pháp 2013 cũng khẳng định tài sản hợp pháp của công dân, của các thành phần kinh tế được pháp luật Nhà nước bảo vệ và không bị Nhà nước quốc hữu hóa.
Hiến pháp mới năm 2013 còn làm rõ vai trò, chức năng thẩm quyền của Chủ tịch nước trong các lĩnh vực lập pháp, hành pháp, tư pháp và trong thống lĩnh lực lượng vũ trang - Chủ tịch nước giữ chức Chủ tịch Hội đồng quốc phòng và An ninh; quyết định phong thăng, giáng tước quân hàm cấp tướng, chuẩn Đô đốc Hải quân. Bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Tổng Tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng Cục chính trị Quân đội nhân dân. Quy định làm rõ cơ sở để lực lượng vũ trang tham gia vào việc giữ gìn hòa bình thế giới (xem cụ thể từ điều 86 - 92 chương VI Hiến pháp 2013).
Về chính quyền địa phương, Hiến pháp 2013 đã tạo cơ sở cho việc qui định mở về chính quyền, phân rõ các cấp chính quyền ở cơ sở gồm có: HĐND - UBND được tổ chức phù hợp với đặc điểm nông thôn, thành thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do luật định. Chứ không nêu chung như Hiến pháp năm 1992 dễ tạo ra rập khuôn, cứng nhắc không phân biệt được sự khác nhau trong quản lý Nhà nước từ TW đến cơ sở. Hiến pháp 1992 mới hướng tới đổi mới bộ máy ở cấp Trung ương cụ thể là (Quốc hội và Chính phủ). Ở ngành Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân Việt Nam mới áp dụng chế độ cải cách tư pháp, nhưng chưa thật rõ nét. Coi đây mới là định hướng cơ bản cho việc đổi mới chính quyền ở Hiến pháp năm 2013.
Việc đưa hoạt động kiểm toán Nhà nước vào qui định ở Hiến pháp năm 2013 là đã coi trọng vị trí, vai trò quan trọng của tổ chức này, để từng bước tạo sự kiểm soát độc lập trong việc quản lý tài chính tài sản công. Qui định kiểm toán Nhà nước trong Hiến pháp là phù hợp với xu thế thế giới, nhằm góp phần phòng và chống tham nhũng, lãng phí kinh tế trong bộ máy Nhà nước thời kỳ phát triển kinh tế và hội nhập. Đây là một tổ chức mới được hình thành và ra đời ở cuối thập kỷ thứ nhất thế kỷ XXI. Năm 1992 chưa có hoạt động kiểm toán Nhà nước nên đây là một nội dung mới, được đưa vào Hiến pháp 2013 là đúng đắn và cần thiết.
Một điều mới hết sức quan trọng mà Hiến pháp năm 2013 ghi nhận, cùng với hoạt động kiểm toán Nhà nước để cấu thành một chương mới (chương X) đó là “Hội đồng bầu cử quốc gia”. Hội đồng bầu cử quốc gia được thành lập để hoạt động thường xuyên chuyên trách phục vụ vấn đề bầu cử để bảo đảm quyền làm chủ của công dân, tạo cơ sở để công dân thực hiện nghĩa vụ và quyền hạn của mình trong quá trình giám sát hoạt động của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp trong các nhiệm kỳ. Đồng thời phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để làm tốt nhiệm vụ ứng cử và bầu cử khi đến hạn luật qui định. Hội đồng bầu cử thuận lợi nhiều mặt và khắc phục sự bất cập của hội đồng bầu cử các cấp mang tính chất lâm thời trước đây.
Điểm mới nhất hết sức quan trọng cuối cùng đó là Hiến pháp 2013 đã sửa đổi điều 18 Hiến pháp năm 1992 nói về chế độ sở hữu, quản lý ruộng đất. Có thể nói đây là một vấn đề hết sức quan trọng, nhậy cảm luôn luôn quan hệ thiết thực tới đời sống con người. Vì vậy, Hiến pháp 2013 đã qui định khá chặt chẽ về việc giao đất, sử dụng đất, về thu hồi, về thẩm quyền và sự cần thiết phải giải tỏa. Thu hồi đất để phục vụ lợi ích kinh tế quốc gia, về khắc phục hậu quả chiến tranh, thiên tai, về chế độ bồi thường giải tỏa thỏa đáng v.v… Sửa đổi được điều 18 Hiến pháp năm 1992 đã làm căn cứ cho việc sửa đổi Luật đất đai hiện nay đang thực hiện.
Tóm lại, có thể nói Hiến pháp mới sửa đổi năm 2013 đã thể hiện được ý Đảng lòng dân, tinh thần dân chủ đổi mới phát huy sức mạnh đoàn kết dân tộc, đáp ứng được nhu cầu xây dựng Nhà nước Pháp quyền và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ đổi mới. Xứng tầm của một bản Hiến pháp mới mang tính ổn định và lâu dài.
LG. Võ Hoa Thám
http://baolamdong.vn/tim-hieu-hien-phap-nuoc-cong-hoa-xa-hoi-chu-nghia-viet-nam/201403/tim-hieu-hien-phap-sua-doi-nam-2013-nhung-diem-moi-co-ban-o-hien-phap-sua-doi-nam-2013-2315368/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét