4/13/2014

Văn hóa đọc đang “mai một” hay "sống khỏe"?

Chinhphu.vn) - Liệu văn hóa đọc hiện nay đã bị bỏ quên như một số người lo ngại hay đang "sống khỏe"? Để trả lời cho câu hỏi này, chúng ta cần có một cách nhìn nhận mới hơn về văn hóa đọc.
Các bạn trẻ đến với ngày hội sách
Có thể nói chưa bao giờ chúng ta có cơ hội tiếp cận dễ dàng với sách như bây giờ. Hiện nay, ở nước ta, ngành Xuất bản-In-Phát hành sách có 64 nhà xuất bản, khoảng 1.500 cơ sở in công nghiệp và khoảng 14.000 công ty phát hành sách. 

Trong những năm gần đây, tổng số sách được xuất bản tăng lên đáng kể. Nếu như năm 1975, toàn ngành Xuất bản mới chỉ đạt gần 3.000 đầu sách, với hơn 41 triệu bản thì đến năm 2013, đã xuất bản được gần 25.000 đầu sách, với 274 triệu bản, chưa kể các ấn phẩm khác... Mức hưởng thụ về sách bình quân đầu người ở nước ta hiện nay trung bình là 3,4 bản sách/năm.
Mặc dù vậy, sách vẫn chủ yếu tập trung ở thành phố, đô thị, người dân vùng sâu, vùng xa vẫn khó tiếp cận với sách.
Nguyên Thứ trưởng Bộ TTTT Đỗ Quý Doãn đã thẳng thắn nhìn nhận rằng đây là một tồn tại của ngành Xuất bản-In và Phát hành sách hiện nay.
Có một thực tế là hiện còn nhiều doanh nghiệp, nhiều đơn vị coi trọng vấn đề lợi nhuận hơn, nên việc đưa sách đến với công chúng, việc tuyên truyền quảng bá giới thiệu sách còn hạn chế. Người ta thường đưa sách tập trung vào đô thị và còn ít quan tâm đến việc đưa sách đến vùng sâu, vùng xa. Vì thế vẫn có những "vùng lõm" về văn hóa đọc, nơi người dân ít có cơ hội tiếp cận với sách.
Tuy nhiên, để góp phần xóa những "vùng lõm" này, các đơn vị xuất bản-in-phát hành sách trong cả nước đã có nhiều nỗ lực đưa sách về vùng sâu, vùng xa để vừa mở rộng thị phần, vừa quảng bá cho sách.

Một ví dụ nổi bật trong hoạt động này là Công ty Xuất nhập khẩu sách báo TPHCM (FAHASA). Nhiều năm qua, FAHASA đã duy trì xe sách lưu động, đưa sách về các vùng nông thôn, vùng khó khăn ở TPHCM và một số tỉnh, thành phố phía Nam. FAHASA cũng đã có mặt tại Hà Nội, Hải Phòng, Vĩnh Phúc và đang dự kiến mở thêm các chi nhánh tại Nghệ An, Thanh Hóa cũng như các tỉnh miền Trung. Cứ vào đầu năm học, FAHASA tại Hà Nội tổ chức tủ sách "Mùa học đường" để các bạn học sinh có điều kiện mua sách thuận tiện hơn.
Sách điện tử có nhiều tiện ích nhưng cũng chưa hẳn "chèn ép" sách in trên giấy
Một vấn đề khác liên quan đến việc đọc là hiện nay, sách giấy in theo phong cách truyền thống đang bị sách điện tử (hay còn gọi là ebook) cạnh tranh. Nhiều người lo ngại việc ra đời loại hình sách điện tử sẽ làm cho hoạt động của ngành Xuất bản giảm sút và giảm số người đọc sách, nhưng có người lại nói không phải như vậy.

Sách điện tử đang phát triển mạnh vì có nhiều ưu điểm so với sách giấy thông thường như giá rẻ, tiết kiệm chi phí xuất bản, dễ lưu giữ, không tốn diện tích trưng bày. Loại hình sách điện tử đã phổ biến trên mạng Internet từ nhiều năm nay. Theo TS Trần Đoàn Lâm, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, thị trường sách điện tử trên thế giới đang phát triển với tốc độ rất cao, khoảng từ 35-40% mỗi năm. Việc kinh doanh sách điện tử ở nước ta không đơn thuần chỉ là chạy theo xu thế chung ấy. Xa hơn, đó là triển vọng và tương lai của cả ngành Xuất bản. Nắm bắt được xu hướng này, các NXB, công ty sách ở nước ta cũng đang nhanh chóng đáp ứng cho những bạn đọc có nhu cầu đọc sách điện tử. Công ty cổ phần sách Thái Hà là một trong những đơn vị đang đi tiên phong trong việc cho ra đời một loại sách điện tử mới, trong đó tích hợp nhiều chức năng hiện đại, đưa vào hình ảnh, âm thanh, ánh sáng, thậm chí đưa các clip, đường link để phục vụ người đọc.
Nhưng việc ra đời của sách điện tử cũng không hẳn làm cho người ta lười đọc sách giấy. Đa số mọi người chỉ tìm đọc sách trên mạng khi không tìm được cuốn sách giấy mà mình cần. Một số người cho rằng vẫn thích đọc sách giấy hơn vì việc lật từng trang sách với họ giống như là sự trải nghiệm thích thú và gần gũi.
Rõ ràng, chúng ta cần đổi mới cách nhìn nhận về văn hóa đọc, có quan niệm mở hơn về việc đọc sách. Ở một khía cạnh nào đó, chính sự ra đời của sách điện tử sẽ góp phần kích thích đối tượng độc giả trẻ, thích công nghệ đến với văn hóa đọc.
Ông Nguyễn Kiểm, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Xuất bản Việt Nam, nói rằng không nên quan niệm văn hóa đọc đang bị bỏ rơi, bỏ quên. Mặc dù văn hóa đọc hiện nay bị cạnh tranh khá gay gắt bởi các phương tiện thông tin đại chúng khác, nhưng chắc chắn các bạn trẻ vẫn đọc sách, nhưng theo cách thức mới hơn trước đây rất nhiều, bằng các phương tiện khác nhau. Với họ đọc sách ngày càng thiết thực, cụ thể hơn vì quỹ thời gian có hạn. Bên cạnh đó, điều mong muốn của tất cả độc giả là các đơn vị làm sách hãy làm mọi cách để đưa đến cho công chúng ngày càng nhiều sách hay, sách đẹp, với giá ngày càng rẻ./.
Mai Hồng
http://baodientu.chinhphu.vn/Van-hoa-The-thao/Van-hoa-doc-dang-mai-mot-hay-song-khoe/197201.vgp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét