Vào những ngày cuối tháng 12, Ðà Lạt sẽ thật vui nhộn, náo nhiệt với một sự kiện văn hóa, xã hội, du lịch mang tính quốc gia và mang tầm quốc tế đó là Festival Hoa Ðà Lạt lần thứ VII. Ðây là hoạt động nhằm quảng bá và tôn vinh những giá trị hoa và ngành hoa Ðà Lạt - Lâm Ðồng, tạo cơ hội để những người trồng hoa được giao lưu, trao đổi và phát triển ngành nghề địa phương đến với cả nước, khu vực và quốc tế.
Sương sớm Đà Lạt. Ảnh: Hà Hữu Nết
Được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2004 với tên gọi lễ hội sắc hoa Đà Lạt, ngay từ buổi đầu được khởi xướng tổ chức đã để lại trong lòng du khách gần xa nhiều ấn tượng khó phai. Từ năm 2005 được đổi tên Festival Hoa Đà Lạt, cho đến nay lễ hội này đã trở thành thương hiệu, là vẻ đẹp, là niềm tự hào của con người và vùng đất Đà Lạt - Lâm Đồng. Năm nay, cứ đến hẹn lại lên, Festival Hoa Đà Lạt lần thứ VII với chủ đề “Hoa Đà Lạt - kết tinh kỳ diệu từ đất lành” hứa hẹn sẽ mang đến cho du khách một cảm nhận mới thú vị.
Kỹ lưỡng từ khâu kế hoạch chuẩn bị
Nhận thức ý nghĩa và tầm quan trọng của sự kiện văn hóa, xã hội, du lịch này, các cấp, các ngành, đoàn thể và nhân dân của tỉnh đã có sự chuẩn bị hết sức chu đáo trên tinh thần làm sao để có một lễ hội thật sự ấn tượng, phong phú, hiệu quả và tiết kiệm, mang tính cộng đồng, thu hút sự tham gia, hưởng ứng của nhân dân và du khách.
Đầu tiên là khâu lập kế hoạch, lộ trình để triển khai tổ chức, qua đó các sở, ngành, địa phương, đơn vị được giao nhiệm vụ phát huy tinh thần trách nhiệm, phối hợp trong công tác chuẩn bị, tiến hành xây dựng kế hoạch chi tiết, đầu tư cho lễ hội, vận động xã hội hóa cả về nội dung lẫn hình thức, huy động mọi nguồn lực cùng tham gia vào các hoạt động của lễ hội… Từ thực tiễn các kỳ Festival hoa được tổ chức đã cho thấy việc xã hội hóa trong các kỳ lễ hội thật sự quan trọng và có ý nghĩa khi mà tất cả mọi hoạt động của lễ hội đều gắn với tinh thần trách nhiệm, với lợi ích mỗi người dân, mỗi gia đình, mỗi doanh nghiệp, không những nhân dân các địa phương trong tỉnh mà còn huy động được nhân dân, doanh nghiệp trên các vùng miền của cả nước, của các nước trong khu vực và trên thế giới, qua đó tạo mối gắn kết, chung tay cùng thực hiện đạt hiệu quả.
Đối với công tác truyền thông, quảng bá cho lễ hội được thực hiện sớm và rộng rãi, kết hợp có hiệu quả cả phương pháp truyền thông truyền thống và phi truyền thống như tổ chức họp báo theo lộ trình, xuất bản các ấn phẩm tuyên truyền, xây dựng mẫu logo, trang trí pano, áp phích... Điểm đặc biệt quan trọng, Festival hoa lần này còn gắn với các hoạt động của Tuần Văn hóa Trà và Tơ lụa, chương trình xây dựng thương hiệu “Đà Lạt - kết tinh kỳ diệu từ đất lành”, ngoài việc tuyên truyền, quảng bá hình ảnh, con người và du lịch Đà Lạt - Lâm Đồng tôn vinh giá trị của hoa và ngành hoa, các sản phẩm nông sản của địa phương thì còn gắn với việc quảng bá thương hiệu ngành nghề sản xuất trà, sản xuất lụa tơ tằm trên địa bàn thành phố Bảo Lộc nói riêng, Lâm Đồng nói chung. Tạo cơ hội cho những người làm rau, hoa, trà, tơ lụa địa phương được giao lưu, trao đổi và phát triển ngành nghề.
Một nhiệm vụ quan trọng không thể bỏ qua đó là khâu đảm bảo cảnh quan đô thị, cơ sở hạ tầng, cây xanh đường phố, vệ sinh môi trường, an ninh trật tự cho các hoạt động của lễ hội được tỉnh hết sức quan tâm chỉ đạo. Qua đó, các cơ quan, đơn vị, các sở, ngành, các huyện, thành phố trong tỉnh được giao nhiệm vụ hết sức chú trọng công tác này, bên cạnh đó các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt công tác chỉnh trang đô thị, khu dân cư, trồng cây xanh và hoa đảm bảo môi trường “xanh, sạch, đẹp”, xây dựng nếp sống văn minh.
Nhiều chương trình lễ hội phong phú
Trong công tác chuẩn bị và tổ chức lễ hội thì một kịch bản hấp dẫn, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng du khách là hết sức quan trọng, từ việc hoàn thiện nội dung kịch bản như lễ khai mạc, bế mạc cho đến thiết kế dàn dựng sân khấu, kế hoạch tổ chức các chương trình… phải thật sự chi tiết, trong đó kịch bản văn học phải có lời bình cụ thể gắn với kịch bản sân khấu thể hiện nội dung cần chuyển tải thông qua các thủ pháp dàn dựng nghệ thuật; chủ đề và nội dung trong kịch bản có sự đổi mới sáng tạo, không trùng lắp với kịch bản của các kỳ lễ hội trước. Riêng đối với lễ khai mạc, chủ thể xuyên suốt và trọng tâm phải nhấn mạnh “Hoa Đà Lạt”, các chủ thể khác được lồng ghép đảm bảo phù hợp mục tiêu, yêu cầu của lễ hội, nhất là yếu tố “con người” được khắc họa rõ nét trong kịch bản.
Du khách đến với thành phố ngàn hoa
THÚY VÂN
http://baolamdong.vn/dulich/201710/nhung-phac-hoa-ve-festival-hoa-2017-2849744/
,
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét