Lâm Đồng là một trong số ít địa phương trên toàn quốc được Chính phủ Vương quốc Đan Mạch tiếp tục hỗ trợ Dự án “Nâng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu cho doanh nghiệp” (GCF) nhằm giúp tăng sức cạnh tranh của hàng hoá trên tầm quốc tế. Đầu tư của Dự án này với Lâm Đồng tập trung hướng vào đầu tư chiều sâu nhằm nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm và nhất là giúp các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh một cách bền vững, qua đó, một cách tự nhiên, hình thành mối dây liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp - nông dân.
Áp dụng KHKT vào sản xuất rau, hoa theo hướng công nghệ cao, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Ảnh: N.Minh |
Công ty Hoa Mặt Trời đóng trên địa bàn xã Phú Hội, huyện Đức Trọng chuyên sản xuất mô cây lan cung cấp cho thị trường. Trước đây, hầu hết mô cây lan do công ty này sản xuất được tiêu thụ nội địa nhưng từ khi chuyển hướng chuyên xuất khẩu, công ty đã có những thay đổi vượt bậc. Được sự trợ giúp của GCF, đã hình thành được hệ thống phòng nuôi cấy mô hoàn chỉnh, hệ thống nhà kính để chăm sóc cây lan con theo đúng quy trình kỹ thuật và quan trọng nhất, công ty đã tiếp cận được với những chuyên gia về nuôi cấy, chăm sóc lan nuôi cấy mô hàng đầu thế giới. Trong đó, từ những chuyên gia Đài Loan, công ty đã tìm ra nhiều đối tác có nhu cầu cây lan giống và hiện nay, hầu hết sản phẩm của công ty chuyên dành cho xuất khẩu. Nhu cầu của đối tác rất lớn, một mình công ty không đảm bảo đủ diện tích canh tác và công ty đã liên kết với hàng chục hộ nông dân cùng tham gia trong những khâu chăm sóc khác nhau. Những nông hộ này cũng được chuyên gia tập huấn về kỹ thuật chăm sóc chuẩn. Ông Huỳnh Tấn Sơn, Giám đốc Công ty Hoa Mặt Trời cho hay, cùng với sự hỗ trợ của GCF, công ty đã bỏ ra chi phí rất lớn để triển khai hoạt động và kết quả cho thấy, phát triển xuất khẩu là hướng đi khả thi với doanh nghiệp đồng thời mở ra một thị trường rất lớn.
Tương tự Công ty Hoa Mặt Trời, 7 công ty khác cũng được nhận hỗ trợ của GCF đều phát triển sản xuất kinh doanh hướng tới xuất khẩu hoặc tham gia các khâu trong quy trình xuất khẩu. Như Công ty Bao bì Tân Phát là một ví dụ: Đóng tại Khu công nghiệp Phú Hội, hàng hoá của công ty này là bao bì carton dùng đóng gói nông sản. Trước đây, bao bì của công ty chỉ chuyên phục vụ nội tiêu, được GCF trợ giúp, công ty đã đầu tư máy móc hiện đại, nâng cấp chất lượng bao bì, đáp ứng được độ cứng, độ thông thoáng… chứa nông sản xuất khẩu. Hiện nay nông sản xuất khẩu đã có thể sử dụng bao bì carton ngay tại Lâm Đồng, không mất thời gian chờ đợi và tốn chi phí vận chuyển từ TP Hồ Chí Minh lên. Hoặc Trang trại Lang Biang đã đầu tư nhà máy chuyên sản xuất giá thể trồng nông sản. Giá thể chuẩn này sẽ giúp khâu sản xuất ra sản phẩm giống chuẩn, trồng cây cho năng suất và chất lượng đáp ứng được nhu cầu xuất khẩu. Tham dự vào tất cả các khâu của chuỗi xuất khẩu, các công ty nhận được sự hỗ trợ của GCF đã giúp gia tăng khả năng cạnh tranh của nông sản Lâm Đồng.
Ông Nguyễn Quang Phước, Điều phối viên của GCF cung cấp, trong giai đoạn hai của dự án, phía Đan Mạch đã hỗ trợ cho các doanh nghiệp của Lâm Đồng 30 tỷ đồng và các doanh nghiệp đã đối ứng lại 30 tỷ. Tất cả các doanh nghiệp đều đã khởi động dự án, có doanh nghiệp đã triển khai rất tốt và tăng lượng xuất khẩu lên nhiều lần. Ông cho biết: “Tiêu chí của chúng tôi là hỗ trợ doanh nghiệp phù hợp với hướng phát triển của họ, là nhu cầu của họ nên họ hợp tác rất tốt và đã chủ động trong sản xuất kinh doanh. Chúng tôi giúp họ tìm ra thế mạnh và phát triển thế mạnh, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hoá. Cũng chính bởi đó là định hướng của doanh nghiệp nên kết quả tự nhiên là họ hình thành những liên kết rất bền vững với nông dân để đảm bảo doanh nghiệp làm ăn lâu dài”. So với nhiều địa phương cùng tham gia GCF, Lâm Đồng có nhiều thuận lợi do có nhiều sản phẩm đặc thù địa phương được thế giới ưa chuộng và xuất khẩu nông sản là việc làm khả thi. Ông Phước cũng khẳng định, GCF hỗ trợ không chỉ là giúp một số doanh nghiệp xuất khẩu được hàng hoá mà qua đó còn giới thiệu với thị trường thế giới nông sản “made in Vietnam”. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp Lâm Đồng mạnh dạn vươn ra “biển lớn” bởi nếu chỉ cạnh tranh “sân nhà”, nông sản Việt tranh chấp thị trường nội địa sẽ dẫn tới giá cả sụt giảm.
Cùng với sự hỗ trợ của GCF, nhiều doanh nghiệp Lâm Đồng đã và đang tham gia vào thị trường thế giới đầy thách thức và cũng đầy tiềm năng. Điều này thúc đẩy nhu cầu tự thân của các doanh nghiệp rằng trong tương lai không xa, hàng hoá Lâm Đồng sẽ không chỉ dừng lại ở việc chinh phục trong nước mà sẽ sẵn sàng cung cấp cho thị trường thế giới.
Diệp Quỳnh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét