10/22/2013

Hiểm nguy từ PC mới mua

phan châu




Người dùng máy tính đang đứng trước nguy cơ bị tấn công bởi mã độc phục sẵn trong phần mềm bất hợp pháp, kể cả với PC mới mua của các thương hiệu lớn.
Một nghiên cứu của Microsoft cho khu vực Đông Nam Á ghi nhận 69% mẫu thử chứa các phần mềm độc hại, nguy cơ lây lan và phát tán virus cao. Mẫu thử gồm 282 bộ đĩa cài và ổ cứng của các máy tính có thương hiệu Acer, Asus, Dell, HP, Lenovo và Samsung được Microsoft mua tại 5 nước: Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam. Việt Nam là quốc gia đứng đầu trong khu vực với 66% đĩa DVD lậu và 92% ổ cứng bị nhiễm mã độc trong tổng số 41ổ cứng và 9 đĩa DVD được Microsoft mua trên thị trường. Qua phân tích các mẫu thử, các chuyên gia bảo mật của Microsoft đã phát hiện ra 5.601 mã độc thuộc 1.131 loại mã độc và virus khác nhau. Một số trong chúng có chức năng ghi lại quá trình gõ phím của người dùng nhằm cho phép tội phạm mạng ăn cắp thông tin tài chính và cá nhân của nạn nhân hoặc chiếm quyền điều khiển từ xa, thông qua microphone và camera tích hợp trong máy để lén ghi lại nội dung cuộc trao đổi của người dùng với những người khác trong phòng. 

Nhiều khách hàng vô tư cho rằng đã mua máy tính thương hiệu là yên tâm mọi thứ đều hợp pháp. Nhưng nghiên cứu nói trên chỉ ra tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm chiếm 1/3 số mẫu thử máy tính thương hiệu. Con số này lên đến 50% số mẫu thử tại Việt Nam. Lời khuyên được đưa ra cho người dùng là nên mua thiết bị từ các cửa hàng tin cậy, tránh những khuyến mãi khủng “đáng ngờ”. Chúng ta nên kiểm tra cẩn thận sản phẩm khi mua, đảm bảo thiết bị phải được đóng gói nguyên tem và có chứng nhận hàng chính hãng.

Các máy tính không bị cài mã độc trong quá trình sản xuất. Tuy nhiên, những máy không được xuất xưởng với hệ điều hành Windows đã bị thay thế phụ kiện trong chuỗi cung ứng hoặc kênh bán lẻ, bởi những người chuyên sao chép bất hợp pháp và phân phối các phần mềm vi phạm bản quyền. Thực tế, việc thay thế ổ cứng cho máy tính thương hiệu khá phổ biến, vì các nhà bán lẻ không những giảm được giá thành máy nhờ thay bằng ổ cứng mua từ các kênh cung cấp không chính thống mà còn đỡ được khoản chi cho bản quyền phần mềm, cụ thể là Windows.

Nhiều người khi mua máy tính thường yêu cầu phía bán hàng cài thêm nhiều ứng dụng để dùng mà không muốn chi thêm tiền. Dĩ nhiên họ thường được nhân viên bán hàng đáp ứng nhiệt tình và đó chắc chắn là những ứng dụng bất hợp pháp, cũng đồng thời tiềm ẩn nguy cơ gây hại cao. "Một số người dùng sử dụng phần mềm giả mạo nhằm mục tiêu tiết kiệm tiền, nhưng khi đi cùng mã độc, doanh nghiệp hay người tiêu dùng đều sẽ gặp những áp lực tài chính và tinh thần như nhau", ông John Gantz, Giám đốc nghiên cứu của IDC lên tiếng cảnh báo.

Theo một nghiên cứu mới được IDC tiến hành trên phạm vi toàn cầu, các phần mềm sao chép bất hợp pháp mà không đi kèm máy tính, 45% là được tải về từ Internet, dẫn tới nguy cơ lây nhiễm mã độc cho 33% số người tiêu dùng và khoảng 3/10 doanh nghiệp. IDC dự báo, trong năm 2013, hậu quả do mã độc gây ra sẽ khiến các doanh nghiệp trên toàn thế giới tốn 114 tỷ USD để khắc phục, còn người tiêu dùng trên toàn cầu sẽ tốn khoảng 1,5 tỷ giờ và 22 tỷ USD cứu dữ liệu bị mất.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét