10/22/2013

'Sách Lịch sử không có Đại tướng Võ Nguyên Giáp là thiếu sót lớn'

Trước việc sách giáo khoa Lịch sử hiện không đề cập đến vai trò và công lao của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đối với sự nghiệp giải phóng đất nước, nhà sử học Lê Văn Lan cho rằng "đã đến lúc phải trả lại sự thật cho lịch sử".

Mất một tuần để dạy con về cuộc đời hoạt động của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chị Nguyễn Thị Thương - phụ huynh của một học sinh cấp 2 cho biết, rất buồn khi con nói "từ khi đến trường chưa bao giờ được học về Đại tướng". Chị vội vàng lục lại sách giáo khoa Lịch sử lớp 5 của con thì đúng là chỉ có các nhân vật lịch sử như Nguyễn Trường Tộ, Hồ Chí Minh, Phan Bội Châu…chứ không hề có Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Vậy là người mẹ vội vàng sưu tập sách báo và mở máy tính tìm các đoạn phim về Đại tướng cho con xem. "Tôi nói với cháu rằng, nếu như Bác Hồ là người khai quốc, thì Đại tướng Võ Nguyên Giáp là khai quốc công thần. Đại tướng là người đã chỉ huy quân đội nhân dân Việt Nam đánh thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đưa Việt Nam trở thành nước hòa bình, độc lập", chị Thương kể và cho hay, rất buồn khi sách vở không dạy con chị điều đó.
dai-tuong-vo-nguyen-giap-7444-1382361458
Đại tướng Võ Nguyên Giáp là anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, bằng tài năng quân sự đã đưa đất nước chiến thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ
Là giáo viên dạy giỏi Lịch sử cấp 2, cô Đỗ Thị Thu (Hà Trung, Thanh Hóa) cho biết, lịch sử cấp THCS không hề nhắc đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp dù nội dung chương trình lớp 9 là lịch sử Việt Nam hiện đại. Trong cả cuốn sách, có 3 sự kiện liên quan đến Đại tướng thì lại không nêu rõ ràng. Trước hết là cuộc vận động dân chủ 1936 - 1939, cùng với mít tinh, biểu tình, Đảng còn đưa sách báo vào tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lê nin cho quần chúng, trong đó có cuốn "Vấn đề dân cày" của Qua Ninh và Vân Đình.
"Vân Đình là bí danh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp lúc bấy giờ nhưng không được nêu rõ tên, mà chỉ có ở phần chú thích cuối trang sách", cô Thu cho hay.
Năm 1944, đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được thành lập, nhưng nội dung trong sách cũng không nói rõ ai là người đứng đầu, mà chỉ nêu sự kiện: sau khi được thành lập, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã chiến đấu giành thắng lợi ở Phay Khắt và Nà Ngần. Chỉ có duy nhất bức ảnh được đưa vào sách có hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp. 
"Thông qua sách tham khảo, chúng tôi nắm rất rõ vai trò của Đại tướng nên đã giải thích thêm cho học trò hiểu, Võ Nguyên Giáp chính là người đứng đầu, thành lập và chỉ huy đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của quân đội nhân dân Việt Nam", cô Thu nói.
Một dòng duy nhất có nhắc đến Đại tướng là trong sự kiện ngày 16/8/1945, theo lệnh của Ủy ban giải phóng, một đội quân do Võ Nguyên Giáp chỉ huy xuất phát từ Tân Trào về bao vây, tấn công quân Nhật ở Thái Nguyên để mở đường về Hà Nội. Còn trong bài Cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp xâm lược kết thúc (1953-1954) đã nêu diễn biến của chiến dịch Điện Biên Phủ, nhưng cũng không hề nói đến vai trò lãnh đạo của Đại tướng.
Một giáo viên có nhiều năm dạy Lịch sử ở trường THPT chuyên Lam Sơn (Thanh Hóa) cũng buồn rầu cho biết, trong suốt nhiều năm dạy học thì đợt quốc tang vừa rồi là thời điểm mà cô được dạy cho học trò về Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhiều nhất. "Khi lên lớp, tôi dành thời gian để giảng cho các em về cuộc đời, sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Có những em đã bật khóc", cô nói.
Nhiều năm qua, dù dạy môn Lịch sử, trong đó có lịch sử Việt Nam hiện đại, song trong các chiến dịch như Điện Biên Phủ, Tết Mậu Thân năm 1968 hay chiến dịch Hồ Chí Minh đều không có một dòng nào nói đến Đại tướng. Cô phải khéo léo giảng giải thêm cho học trò về vai trò lãnh đạo của ông trong các chiến dịch. Phần mở rộng này cũng chỉ lướt qua vì kiến thức quá dài mà thời lượng dạy học lại ngắn.
"Lịch sử hiện nay đang nặng về sự kiện, bắt học trò phải nhớ hết là điều khó khăn. Nếu những bài về Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người thật, việc thật được đưa vào thì các em sẽ học dễ dàng hơn. Chúng tôi chỉ là người thi công nên mong sự thay đổi sẽ bắt đầu từ những người thiết kế, viết sách", giáo viên chuyên Sử nói.
SGK-lich-su-6028-1382361458.jpg
Thế nhưng sách giáo khoa phổ thông lại không hề nhắc đến vai trò của Đại tướng dù nêu rõ diễn biến của các chiến dịch Điện Biên Phủ, Hồ Chí Minh.
Nguyên thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Trần Xuân Nhĩ cho rằng "rất không đúng khi sách giáo khoa Lịch sử không nhắc đến Tướng Giáp". Khi hỏi một người nước ngoài về Việt Nam, họ đều nói rằng, nhắc đến Việt Nam là nhắc đến Hồ Chí Minh - Võ Nguyên Giáp - Điện Biên Phủ. Họ ca tụng Đại tướng là vị anh hùng dân tộc, một trong 10 vị tướng giỏi nhất mọi thời đại. Thế nhưng, sách giáo khoa Lịch sử lại không dạy học sinh về Đại tướng.
Nếu như không có trận Điện Biên Phủ lững lẫy năm châu, thì sẽ không thể đánh đuổi được thực dân Pháp. Nếu không có chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975 thì không thể có đất nước Việt Nam thống nhất. Mà tất cả những sự kiện đó đều gắn liền với tên tuổi của Đại tướng, do Đại tướng chỉ huy.
"Lịch sử là phải tôn trọng sự thật. Khi Lịch sử không đưa cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng vào dạy trong nhà trường là Lịch sử thiếu sót. Nếu không có Tướng Giáp, làm sao Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân từ một đội quân chân đất có thể trở nên hùng mạnh, đánh thắng hai tên thực dân, đế quốc hùng mạnh", nguyên Thứ trưởng Giáo dục đặt câu hỏi.
Nhà sử học Lê Văn Lan thì quả quyết "sách Lịch sử phải viết lại". Theo thầy Lan, việc không nói đến vai trò của Đại tướng trong những thắng lợi huy hoàng của dân tộc là một sự thiếu sót lớn. Đổi mới nội dung chương trình sách giáo khoa Lịch sử trong thời gian tới phải coi việc bổ sung cuộc đời, sự nghiệp hoạt động của Đại tướng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.
"Thời gian qua chúng ta đã để nhiều thế hệ không được biết đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Như vậy là môn Lịch sử chưa hoàn thành sứ mệnh của mình. Bây giờ chúng ta phải trả lại sự công bằng cho lịch sử. Bên cạnh tinh thần của chiến dịch Điện Biên Phủ chấn động năm châu, thì tinh thần của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng cần phải được truyền đến thế hệ trẻ, đó là con người vượt qua mọi khó khăn, thông minh, kiệt xuất, đánh bại mọi kẻ thù hùng mạnh", nhà sử học Lê Văn Lan nói.
Hoàng Thùy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét