10/11/2013

Phát triển sản xuất để xây dựng nông thôn mới

Để có xã nông thôn mới trước năm 2015 và cũng để xóa nghèo bền vững cho nhân dân, hiện nay, các địa phương trong tỉnh cùng với xây dựng hạ tầng nông thôn đang tập trung đầu tư hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho nông dân. Nhiều hình thức hỗ trợ và mô hình phát triển sản xuất đã đem lại kết quả cao và có khả năng nhân rộng trên toàn tỉnh.

Tại thành phố Bảo Lộc, ông Bùi Thắng - Chủ tịch thành phố cho hay, bên cạnh sản xuất 2 loại cây công nghiệp chủ lực là cà phê và chè, nhận được hỗ trợ từ nguồn vốn nông thôn mới và các nguồn vốn lồng ghép khác của Nhà nước thông qua các chương trình dự án cũng như nguồn vốn tự có, tại 5 xã đang triển khai Chương trình Xây dựng nông thôn mới của thành phố là ĐạmB’ri, Đại Lào, Lộc Châu, Lộc Nga và Lộc Thanh, nhiều hộ nông dân đã mạnh dạn đầu tư trồng các loại cây trồng khác như rau, hoa, nấm… theo hướng áp dụng công nghệ cao trong nhà kính, nhà lưới. Vùng nông nghiệp công nghệ cao ở xã Lộc Thanh đã và đang hình thành với nguồn vốn đầu tư hơn 7 tỷ đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 4,15 tỷ đồng, nhân dân đóng góp 2,9 tỷ đồng. Năm 2012 và các tháng đầu năm nay, Dự án Nâng cao chất lượng an toàn sản phẩm nông nghiệp và Phát triển chương trình khí sinh học (Dự án QSEAP) thuộc Sở NN-PTNT tỉnh đã hỗ trợ bà con nông dân chuyển đổi 110 ha chè hạt sang chè cành TB14, đưa diện tích chè chuyển đổi của các xã này lên gần 950 ha. Đề án cải tạo vườn cà phê năng suất thấp bằng biện pháp ghép chồi và trồng tái canh giống cà phê mới cũng đã được thị xã quan tâm triển khai và từ đầu năm 2011 tới cuối tháng 5/ 2013 đã thực hiện được khoảng 310 ha, nâng diện tích cà phê đã được chuyển đổi giống của thành phố lên 2.660 ha. Qua kết quả khảo sát của ngành nông nghiệp thành phố, tại xã Lộc Châu đã có 13 mô hình trồng hoa hồng môn trong nhà kính rộng 6.500 m2, một số mô hình chăn nuôi heo an toàn sinh học, trồng nấm cao cấp cũng đã hình thành cho hiệu quả kinh tế khá cao. Để nông nghiệp phát triển ổn định và bền vững, thời gian qua, thành phố Bảo Lộc còn triển khai đồng bộ các chương trình hỗ trợ thành lập các tổ chức sản xuất hợp tác như THT Nuôi trồng thuỷ sản xã Đạm Bri, thành lập mới HTX NN Trà Việt ở xã Đại Lào (với định hướng sản xuất chính là sản xuất chè an toàn gắn với ký kết hợp đồng tiêu thụ chè nguyên liệu với các doanh nghiệp chế biến chè), thành lập mới THT Chăn nuôi bò sữa xã Đại Lào (định hướng của THT này là đẩy mạnh việc hỗ trợ và hợp tác về việc nuôi dưỡng, khai thác, trồng cỏ, tiêu thụ sữa… giữa các hộ chăn nuôi bò sữa trong vùng). Cũng theo số liệu của UBND thành phố, với những hỗ trợ thiết thực này, thu nhập bình quân trên đơn vị diện tích canh tác của các xã đang xây dựng nông thôn mới tại Bảo Lộc năm 2010 mới là 80 triệu đồng/ ha thì năm 2012 đã tăng lên trên 95 triệu đồng/ ha; thu nhập bình quân tại xã ĐạmB’ri năm 2009 là 14 triệu đồng, năm 2010 đã là 18 triệu đồng, năm 2011 lên trên 23 triệu đồng và năm 2012 vừa qua đã đạt 27 triệu đồng/ người. Từ Chương trình Xây dựng nông thôn mới đã xuất hiện nhiều hộ nông dân SX-KD giỏi như hộ ông Nguyễn Xuân Các (thôn 8, xã Đại Lào) với mô hình VAC, hộ bà Nguyễn Thị Ứng (thôn 8, xã Đại Lào) thoát nghèo nhờ vốn vay, hộ ông Trần Văn Đức và hộ ông Phan Văn Khải (thôn Thanh Xuân 2, xã Lộc Thanh) áp dụng thành công công nghệ tưới nước nhỏ giọt vào thâm canh vườn chè…

Tại huyện Đạ Tẻh việc hỗ trợ phát triển sản xuất tại các xã xây dựng nông thôn mới được UBND huyện chỉ đạo ngành nông nghiệp triển khai theo hướng thực hiện chuyển đổi cơ cấu và chất lượng giống cây trồng, vật nuôi nhằm tăng nhanh năng suất, chất lượng nông sản, hình thành các vùng chuyên canh tập trung sản xuất nông sản hàng hoá. Nhờ đó, đã hình thành và mở rộng được các vùng chuyên canh tập trung như vùng sản xuất lúa chất lượng cao quy mô 1.600 ha (tăng 100 ha so với cuối năm 2012), khu vực chuyển đổi mùa vụ (chuyển từ 2,3 vụ lúa sang sản xuất 2 vụ lúa + 1 vụ bắp đông xuân) đạt diện tích 1.112 ha (tăng 189 ha so với cuối năm 2012), đã chuyển đổi thành công 700 ha điều và vườn tạp sang trồng cao su tiểu điền, xây dựng vùng chuyên canh cây cao su 2.046 ha (có 1.267 ha cao su đại điền và 779 ha cao su tiểu điền), trên địa bàn huyện cũng đã có 272 ha mặt nước nuôi trồng thuỷ sản (tăng 32 ha so với cuối năm 2012). Thực hiện thành công định hướng sản xuất này, giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân trên 1 ha đất canh tác tại các xã xây dựng nông thôn mới ở huyện Đạ Tẻh năm 2012 đã đạt 52,73 triệu đồng - tăng 13,21 triệu đồng so với năm 2010; thu nhập bình quân của huyện năm 2012 đạt trên 17,7 triệu đồng/người. Tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp từ Chương trình Xây dựng nông thôn mới “… kinh tế nông nghiệp- nông thôn của huyện đang từng bước được đổi mới theo hướng phát huy kinh tế hộ, kinh tế trang trại, nhóm hộ nông dân liên kết…” - ông Phạm Ngọc Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND huyện Đạ Tẻh khẳng định.

Sau hơn 3 năm triển khai, các Ban Chỉ đạo Chương trình Xây dựng nông thôn mới thành phố Bảo Lộc và huyện Đạ Tẻh đều cho rằng việc phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân có vai trò quyết định tới thành bại của chương trình và vì vậy rất cần được Nhà nước tiếp tục hỗ trợ bằng nguồn vốn của chính Chương trình Xây dựng nông thôn mới cũng như vốn của các chương trình - dự án lồng ghép trên cùng địa bàn đầu tư.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét