Vai trò của cán bộ thư viện trường học
Cập nhật lúc: 04:39 PM ngày 13/03/2013
Ngày nay, với sự phát triển mạnh mẽ của Khoa học - Công nghệ, sự bùng nổ thông tin trong kỷ nguyên Internet (world wide web) đã mang lại cuộc cách mạng công nghệ trên diện rộng và tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó ảnh hưởng một phần không nhỏ tới ngành Thư viện - Thông tin. Thư viện là nơi thông tin được lưu trữ, tổ chức nguồn lực thông tin, vì vậy, bạn đọc dễ dàng tìm thấy thông tin qúy hiếm mà họ cần đến. Bên cạnh đó, thư viện có giá trị khi nó truyền tải thông tin đến Người dùng tin (NDT) một cách hữu ích. Thông tin là tài nguyên quý báu cho nhân loại.
Sinh viên học nhóm tại Trung tâm – Thông tin trường ĐHHĐ
Sự phát triển của công nghệ số đã tạo ra những bước đột phá lớn cho nhân loại từ cuối thể kỷ XX. Với sự phát triển đó làm cho vai trò của ngành thư viện nói chung cũng như thư viện trường học nói riêng có nhiều chuyển biến từ phương thức phục truyền thống đến phương thức phục vụ hiện đại.
Thư viện trường học góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập cho giáo viên và học sinh, sinh viên. Đối với bạn đọc là giáo viên, Thư viện là kho tàng lưu giữ những kiến thức bổ ích được lưu trữ qua từng thời gian, đồng thời cung cấp, bổ sung và cập nhật khối lượng thông tin làm cho nội dung bài giảng ngày càng phong phú, giáo viên có thể tiếp cận nhiều nguồn thông tin khác nhau để làm giàu vốn kiến thức của mình, truyền tải đến học sinh, sinh viên lượng kiến thức tốt nhất. Đối với bạn đọc là học sinh, sinh viên, Thư viện đóng vai trò gián tiếp, xây dựng thói quen tự học, tự bồi dưỡng cho học sinh, sinh viên trong học tập và nghiên cứu khoa học. Mặt khác, thư viện giúp bạn đọc tạo dựng được tính chủ động và hình thành hướng phấn đấu đạt kết quả cao trong học tập của mình.
Để đáp ứng nhu cầu thông tin cho bạn đọc một cách hiệu quả nhất thì yếu tố đóng vai trò then chốt là cán bộ thư viện phải làm gì? Làm như thế nào?. Chúng ta đều nhận thấy rằng vai trò của thư viện trường học là yếu tố cấu thành chất lượng giáo dục, là bộ phận không thể thiếu trong việc hình thành môi trường văn hóa học đường. Đồng thời, cán bộ thư viện là nơi khơi nguồn và đáp ứng nhu cầu dùng tin cho hai đối tượng độc giả chính là: Sinh viên và giáo viên.
Đồng thời, cán bộ thư viện là “chiếc cầu nối” giữa bạn đọc với thư viện và tài liệu, hướng dẫn cho các đối tượng bạn đọc: giáo viên, sinh viên để họ có thể khai thác được nguồn thông tin, tài liệu tốt nhất có trong thư viện.
Hiện nay, thư viện trường học không những cung cấp cho bạn đọc các bộ sưu tập tài liệu giấy còn cung cấp cho họ những bộ sư tập tài liệu số hóa. Và cán bộ thư viện có vai trò giúp NDT truy cập, khai thác các nguồn tài nguyên thông tin quý đó. NDT có thể tìm kiếm thông tin trên các cơ sở dữ liệu thư mục trực tuyến (OPAC) tạo điều kiện thuận lợi cho họ có thể thể tra cứu trên máy tính có kết mạng internet ở mọi lúc, mọi nơi. Thông qua các dich vụ thông tin, cán bộ thư viện có thể cung cấp các dịch vụ sử dụng nguồn thông qua các danh mục tài liệu, cơ sở dữ liệu trực tuyến, hướng dẫn bạn đọc tìm kiếm tài liệu trực tuyến, gia hạn tài liệu, đăng ký mượn tài liệu online (đặt chỗ).
Nhiệm vụ của cán bộ thư viện trong thế giới số hiện nay là làm thế nào để cung cấp cho bạn đọc những tài liệu và nguồn lực thông tin tốt nhất. Vì vậy, cán bộ thư viện phải là người năm vững nghiệp vụ, chuyên môn thư viện nguồn tài liệu, hiểu các kỹ thuật CD – ROM, Internet, các chương trình phần mền cho trường học và thư viện…để tham gia vào việc mua sắm, trang bị các trang thiết bị cho thư viện, cũng như cho nhà trường. Hơn thế nữa, họ phải cập nhật các kiến thức, kỹ năng sử dụng các trang thiết bị mới để hướng dẫn lại cho học sinh, sinh viện và giáo viên.
Theo chia sẻ của nhiều cán bộ thư viện, công nghệ đã làm thay đổi cơ bản công việc của người cán bộ thư viện nhưng không hề làm giảm bớt vai trò của họ trên con đường chuyển giao thông tin tới NDT. Về vai trò của người cán bộ thư viện trong kỷ nguyên Internet, ông Mauric khẳng định: “Các thư viện công cộng và những nhân viên làm việc tại những thư viện này vẫn giữ vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ công chúng tìm kiếm và khai thác “biển cả thông tin” giờ đây đã có thể đến với độc giả dễ dàng qua mạng Internet.”
Trong bối cảnh công nghệ thông tin và Internet, khâu trung gian truyền tải và kết nối nguồn thông tin đến NDT thì cán bộ thư viện càng trở nên vô cùng quan trọng. Cán bộ thư viện là nguồn nhân lực không thể thiếu trong bất kỳ thư viện nào, cho dù đó là thư viện truyền thống hay thư viện hiện đại, thư viện điện tử, thư viện số… Nói như vậy cũng để khẳng định tầm quan trọng của cán bộ trong việc xây dựng và phát triển thư viện theo xu hướng mới.
Bước sang kỷ nguyên mới, với những thách thức ngày càng tăng đối với cán bộ thư viện có kinh nghiệm lâu năm hay những người mới vào nghề đều phải trau dồi kiến thức làm thế nào đó để lựa chọn phương thức phục vụ bạn đọc tốt nhất, hiệu quả cao nhất.
Ngoài ra, cán bộ thư viện phải đặt NDT lên vị trí ưu tiên hàng đầu, không ngại tiếp xúc với những công nghệ mới, luôn muốn làm chủ những công cụ mới, và phải biết cách vận dụng kỹ năng của mình vào việc khai thác thông tin cũng như giúp cho người dùng tiếp cận và sử dụng nguồn tin đó.
Một thực tế mà người cán bộ thư viện phải hiểu và biết nhu cầu dùng tin của bạn đọc ngày càng phong phú và đa dạng, họ luôn có những kỳ vọng mới vào lĩnh vực mà họ nghiên cứu. Chính vì điều này mà đòi hỏi cán bộ thư viện luôn là người đi tiên phong, biết cách điều chỉnh mình phù hợp với từng hoàn cảnh cụ thể, tạo ra tác phong làm việc công nghiệp
Với thực tế đó, các cán bộ thư viện đang cố gắng để đạt mục tiêu: tăng khả năng truy cập thông tin; thu thập và chọn lọc thông tin nhanh và chính xác hơn; xác định vị trí, phân tích và kết nối tới thông tin một cách tinh vi hơn; tiếp tục nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ thư viện. Tham gia tạo lập website để phổ biến thông tin về thư viện và các dịch vụ thư viện.
Để thực hiện tốt các mục tiêu này, ngoài các kỹ năng chuyên môn mới, các cán bộ thư viện trong tương lai cần trang bị thêm cho mình năng lực cá nhân và khả năng thích ứng để phục vụ có hiệu quả trong môi trường thư viện trường học đang phát triển nhanh chóng.
Các kỹ năng cần thiết cho đội ngũ cán bộ thư viện là các kiến thức cơ bản về phần cứng, khắc phục sự cố, hiểu biết về các chương trình phần mềm, và kỹ năng tìm kiếm, hiển thị và truy xuất dữ liệu một cách hiệu quả trong nhiều hệ thống truy xuất thông tin.
Nắm rõ tính chất của tài liệu và vai trò của chúng trong xây dựng vốn tài liệu, các kỹ năng biên mục và phân loại, khả năng phân tích, khả năng phổ biến thông tin, đáp ứng các yêu cầu thông tin, và cần có trình độ cao về tin học.
Trên thực tế, việc đào tạo nguồn nhân lực với năng lực và phẩm chất đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn đã đặt ra những nhiệm vụ cấp thiết cho các cơ sở đào tạo cán bộ thư viện thông tin ở Việt Nam trong những năm sắp tới với việc tiếp tục đổi mới, cải tiến chương trình đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ giảng dạy có trình độ cao, đổi mới phương pháp giảng dạy và tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy và học tập.
Cán bộ thư viện là những chuyên gia được đào tạo về bổ sung, tổ chức, truy xuất và phổ biến thông tin. Nhiệm vụ của họ sẽ vẫn tiếp tục là người lựa chọn các nguồn thông tin thích hợp, cung cấp truy cập tới các nguồn thông tin đó, hướng dẫn và hỗ trợ NDT trong việc hiểu các nguồn thông tin, bảo quản cả phương tiện và thông tin chứa đựng trong đó. Vai trò của cán bộ thư viện là không thay đổi, vì vậy, nhà trường và xã hội phải có một cách nhìn nhận thích đáng đối với công tác của cán bộ thư viện trường học. Đầu tiên là Ban Giám hiệu nhà trường phải đánh giá được vai trò hữu ích của cán bộ thư viện trong trong nhà trường. Tiếp đến cần có những chính sách, quy định để tạo cơ sở mang tính nguyên tắc cho sự hợp tác giữa giáo viên và cán bộ thư viện nhằm phát huy hơn nữa vai trò của thư viện trong quá trình giáo dục, đào tạo./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét