|
Nghệ nhân Ma Wơng làm gốm |
Trong các giải pháp thực hiện, các nhà hoạch định chiến lược phát triển du lịch huyện Đơn Dương cũng chỉ rõ: “Xây dựng các chương trình khai thác văn hóa nghệ thuật cồng chiêng, dân ca, dân vũ, nhạc cụ dân tộc… để phục vụ và thu hút du khách”. Dẫn ra những điều này để thấy rằng, trong chiến lược phát triển du lịch địa phương, các nhà hoạch định ở Đơn Dương và ngành du lịch tỉnh Lâm Đồng đã đặc biệt chú trọng đến yếu tố văn hóa của các tộc người bản địa Nam Tây Nguyên nói chung và Đơn Dương nói riêng.
Một trong những điều được dư luận chú ý trong thời gian gần đây là UBND tỉnh Lâm Đồng vừa ra quyết định công nhận nghề làm nhẫn bạc là nghề truyền thống của người Churu ở Đơn Dương. Trong một lần trao đổi với ông Lê Hữu Túc, Phó Chủ tịch UBND huyện Đơn Dương, chúng tôi được nghe ông bộc bạch: “Đơn Dương thực sự có tiềm năng về du lịch văn hóa dân tộc bản địa nhưng bởi nhiều lý do, trong nhiều năm qua, du lịch chưa thực sự là thế mạnh của địa phương. Song điều đó không có nghĩa là đã quá muộn để lãnh đạo huyện Đơn Dương đề ra một chiến lược lâu dài để phát huy yếu tố văn hóa dân tộc thiểu số vào phát triển du lịch. Ví dụ, với Đơn Dương, thế mạnh về nghề truyền thống làm nhẫn bạc là thế mạnh xem ra là độc nhất vô nhị ở Lâm Đồng”. Chúng tôi muốn nói thêm: Nghề này không chỉ là độc nhất vô nhị ở Lâm Đồng mà còn là “nghề của một người”. Là nghề của một người, tất nhiên cũng có điều kém vui, nhưng nhìn dưới một góc độ khác, nếu Đơn Dương biết phát huy thế mạnh “nghề duy nhất - nghệ nhân duy nhất” một cách đúng mức thì đây chính là “đặc sản” có một không hai của huyện Đơn Dương. Lần gặp Ya Tuất - nghệ nhân duy nhất “hành nghề” nhẫn bạc ở huyện Đơn Dương - gần đây nhất, tôi cảm thấy vui lây khi nghe anh thật thà bảo rằng: “Có một mình mình làm cái nghề này thôi nên hễ huyện có lễ hội gì hay có đoàn nào đó đến thăm và tham quan cái nghề nhẫn bạc thì chỉ một mình mình mang đồ nghề ra mà làm. Bởi vậy nên bây giờ, Ya Tuất mình luôn luôn bận rộn!”.
Trong một chuyến công tác gần đây nhất về làng gốm Krăng Gõ, huyện Đơn Dương, chúng tôi đã nghe chị Ma Phương (44 tuổi) - con gái nghệ nhân làm gốm Ma Wơng (75 tuổi), tâm sự: “Làng gốm Krăng Gõ của người Churu mình giờ đây nổi tiếng lắm rồi. Hồi em ra Hà Nội theo Sở VH-TT-DL Lâm Đồng để trưng bày và trình diễn nghề làm gốm của người Churu Lâm Đồng, mấy chú, mấy anh cán bộ ở trung ương bảo rằng thích lắm cái nghề này. Giới trẻ ở thủ đô Hà Nội cũng rất thích. Họ bảo rằng cái tiếng của làng gốm Churu ở huyện Đơn Dương bay ra tận ngoài Hà Nội. Có người còn bảo họ muốn vô Lâm Đồng rồi đến làng gốm Krăng Gõ để xem bà con Churu làm cái gốm ra sao nhưng chưa có dịp”. Bà Ma Wơng, mẹ của chị Ma Phương, thật thà: “Con gái làng này biết ngồi bên cái bàn gốm từ lúc… mới lọt lòng mà! Cái nghề gốm của người Churu mình không giống như nghề gốm ở các nơi đâu. Nghề gốm ở các nơi thì có cái bàn xoay tròn. Còn người Churu mình thì phải tự xoay bằng hai bàn tay; tức là phải đi vòng vòng bên cái bàn làm thành cái “vòng xoay” nên rất cần sự khéo léo của đôi tay, sự nhịp nhàng của đôi chân, sự mềm dẻo của cái bụng, cái lưng…”. Nghề gốm ở Đơn Dương của tộc người Churu độc đáo là vậy, “lạ” là vậy… và “đặc sản” cũng chính nhờ vậy!
Cách nay chưa lâu lắm, chúng tôi đã có dịp “khám phá” ngôi nhà sàn khá nổi tiếng trong cộng đồng người Churu ở Đơn Dương là ngôi nhà sàn của chị Roda Nai Linh (56 tuổi) ở thôn Mlọn, thị trấn Drann. Đó là ngôi nhà sàn không lớn lắm nhưng độc đáo là ở chỗ nó được làm từ hơn 60 năm trước nhưng đến nay không hề cũ, không hề bị mối mọt theo thời gian. Giá trị của ngôi nhà sàn này còn ở chỗ là được làm đúng theo mẫu nhà sàn của người Churu, nguyên vật liệu cũng được chọn đúng theo “chuẩn” để làm nhà mà ông bà người Churu xưa truyền lại. “Ngôi nhà này do bố tôi thiết kế và tự chỉ huy những thợ làm nhà người Churu trong làng cùng làm. Hồi đó, tôi chưa sinh ra đời. Nhưng khi sinh ra, lúc còn nhỏ tôi thấy cái nhà như thế nào thì nay nó hầu như còn nguyên như vậy”. Trước khi mất, bố của chị Roda Nai Linh đã “di chúc” lại ngôi nhà sàn độc đáo này cho chị với không ít lời căn dặn về việc giữ gìn truyền thống văn hóa của người Churu. Xin được nói thêm, bố của chị Roda Nai Linh là một trí thức người dân tộc thiểu số có lối ứng xử rất mực thước, đặc biệt là sự ứng xử với những gì thuộc về văn hóa cổ truyền của tộc người Churu. Bởi vậy, theo lời kể của chị Roda Nai Linh thì “tâm tư” lớn nhất của ông trước khi qua đời vẫn là làm thế nào để gìn giữ những giá trị văn hóa mà phải trải qua hàng trăm thế hệ, người Churu mới hình thành được cái vốn ấy và nó được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Bây giờ, không chỉ lưu giữ cái khung của ngôi nhà mà bên trong ngôi nhà sàn ấy, kế thừa sự cẩn trọng của người cha, dưới bàn tay khéo léo của mình, chị Roda Nai Linh biến nội thất ngôi nhà thành “bảo tàng sống” của những giá trị văn hóa đặc trưng của người Churu. Bởi vậy, ngôi nhà sàn độc đáo của chị trong thời gian gần đây đã vô tình trở thành một điểm tham quan của nhiều du khách không chỉ trong nước mà còn cả du khách nước ngoài, mặc dầu chưa một lần ngôi nhà được chủ nhân quảng cáo là điểm tham quan du lịch.
Đơn Dương là địa phương có đặc điểm dân cư - dân tộc làm nên yếu tố văn hóa tộc người bản địa mà ít có địa phương nào có được. Có thể phân tích: Các tộc người thiểu số bản địa Lâm Đồng thuộc hai ngữ hệ Môn Khơme và Mã Lai Đa Đảo là chính. Trong đó, các tộc người thuộc nhóm Môn Khơme (Cơho, Mạ…) có địa bàn cư trú khá rộng - trải dài từ cao nguyên Lâm Viên (Đà Lạt) xuống đến tận vùng Đồng Nai (Cát Tiên). Trong khi đó, nhóm Mã Lai Đa Đảo (Churu, Raglai…) xem ra lại “co cụm” ở vùng Đơn Dương và chỉ kéo sang một phần đất của huyện lân cận là Đức Trọng. Điều đáng nói nữa, tộc người thiểu số bản địa Churu ở Đơn Dương có các yếu tố văn hóa tộc người rất đặc trưng mà không phải bất kỳ huyện nào trong tỉnh Lâm Đồng cũng “sở hữu” được (như vừa nêu ở trên). Trong khi đó, các yếu tố về văn hóa các tộc người thiểu số bản địa thuộc “sở hữu” của những vùng đất khác (như người Lạch của Lạc Dương, người Cơho của Di Linh, người Mạ của Bảo Lộc…) thì ngay tại Đơn Dương vẫn hiện hữu: Trong lịch sử, những người “chiếm đất” (một trong những nghĩa của từ “Churu”) có cùng không gian cư trú với các dân tộc thuộc ngữ hệ Môn Khơme nên không chỉ tiếp nhận dòng văn hóa bên ngoài theo quy luật tự nhiên mà người Churu (và cả người Raglai) còn chấp nhận ngay trong không gian sinh tồn của dân tộc mình một dòng văn hóa ngoài Churu. Và như vậy, “dòng văn hóa ngoài Churu” này cũng là một thế mạnh khác để Đơn Dương khai thác trong phát triển du lịch!
Trong quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 có đặt vấn đề: Phát triển du lịch bền vững gắn với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc; giữ gìn cảnh quan, bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội; đảm bảo hài hòa tương tác giữa khai thác phát triển du lịch với bảo vệ giá trị tài nguyên tự nhiên và nhân văn. Trong mục tiêu chung của quyết định phê duyệt kế hoạch triển khai chiến lược phát triển du lịch trên địa bàn Lâm Đồng đến 2020 và tầm nhìn đến 2030 cũng nêu rõ: “Khai thác có hiệu quả lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, truyền thống, các giá trị văn hóa - lịch sử để phát triển ngành du lịch tỉnh Lâm Đồng theo hướng chất lượng cao và bền vững, nhanh chóng đưa du lịch trở thành ngành kinh tế động lực của tỉnh, tạo điều kiện cho các ngành kinh tế khác phát triển”. Như vậy, cách đặt vấn đề khi đề cập đến mục đích phát triển du lịch huyện Đơn Dương như phần đầu đã đề cập là hoàn toàn hợp lý. Và thêm nữa, nếu Đơn Dương đặt trọng hơn nữa yếu tố văn hóa các tộc người bản địa bên cạnh du lịch sinh thái (như chiến lược đã đề ra) thì kết quả khai thác du lịch trên địa bàn huyện mang lại sẽ cao hơn nhờ ở những yếu tố “độc” và “lạ” như trên vừa phân tích.
KHẮC DŨNG